T7. Th7 27th, 2024

Tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam

Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng khi mà dân số trong độ tuổi lao động cao gấp 2 lần dân số ngoài độ tuổi lao động. Hằng năm, dân số trong độ tuổi lao động tham gia thị trường lao động chiếm tỷ trọng khá cao, khoảng trên 75%. Mặc dù vậy, phần đông người lao động của Việt Nam vẫn còn phải đang chấp nhận làm các công việc dễ tổn thương, không được đóng bảo hiểm xã hội, không có hợp đồng lao động. Đó là việc làm phi chính thức.

    Đối với một quốc gia có dân số đông và nền kinh tế phát triển thấp như Việt Nam, việc làm phi chính thức là một phần không thể thiếu góp phần quan trọng trong quá trình giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người lao động. Mặc dù tình trạng phi chính thức có tác động khá tiêu cực đến
thu nhập, an toàn và sức khỏe của người lao động nhưng đôi khi họ vẫn buộc phải làm công việc phi chính thức như là một lựa chọn không thể khác để đảm bảo cuộc sống mưu sinh trong bối cảnh các điều kiện phúc lợi xã hội còn hạn chế hoặc thu nhập từ công việc chính thức không đảm bảo.

    Nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để phát triển kinh tế, giải bài toán chính thức hóa lao động có việc làm phi chính thức nhằm đảm bảo việc làm tử tế cho người lao động nhưng tình trạng người lao động bị buộc phải làm các công việc phi chính thức, thiếu bền vững nhiều năm qua vẫn chưa được cải thiện đáng kể, đặc biệt trong 2 năm vừa qua, 2020-2021, dưới sự tác động mạnh của cơn bão đại dịch Covid 19.

    Để có bức tranh tổng quan về thực trạng lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam, đặc biệt là qua 2 năm chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid 19, Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ kỹ thuật của văn phòng ILO Việt Nam biên soạn báo cáo “Tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam”. Trên cơ sở thông tin được thu thập từ điều tra lao động việc làm hàng năm, báo cáo đi sâu phân tích một số đặc trưng cơ bản của lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam theo các chiều cạnh khác nhau; báo cáo cũng đánh giá các yếu tố tác động đến tình trạng làm việc phi chính thức của lao động và trình bày một số kiến nghị nhằm cải thiện chất lượng lao động Việt Nam, góp phần đảm bảo việc làm tử tế hơn cho người lao động. Ngoài phần biểu tổng hợp và các phụ lục, kết cấu và nội dung Báo cáo được trình bày trong 4 chương.
Chương I. Khái niệm, phương pháp đo lường và nguồn số liệu để tính chỉ tiêu thống kê lao động phi chính thức
Chương II. Đặc điểm của lao động phi chính thức Việt Nam
Chương III. Ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 đến lao động phi chính thức
Chương IV. Kết luận và kiến nghị.

    Tổng cục Thống kê chân thành cảm ơn sự hỗ trợ kỹ thuật của văn phòng ILO, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình biên soạn Báo cáo Tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức này. Rất mong sự hợp tác quý báu đó sẽ được duy trì và phát huy để các Báo cáo tiếp theo tiến hành thuận lợi và thành công hơn./.

Link tải ấn phẩm: Tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

By Phổ biến thông tin thống kê

Cảm ơn bạn đã đọc bài

Related Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *