T7. Th7 27th, 2024

Tình hình kinh tế – xã hội TP Hà Nội tháng Một năm 2023

1.   Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1.   Nông nghiệp

Hoạt động sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung vào thu hoạch cây màu vụ Đông, chuẩn bị gieo trồng cây vụ Xuân và chăm sóc, phát triển đàn gia súc, gia cầm.

Vụ Đông năm nay, toàn Thành phố gieo trồng 27 nghìn ha, bằng 94,5% vụ Đông năm trước, trong đó: Diện tích ngô đạt 5,1 nghìn ha, bằng 78,1% so với cùng kỳ; khoai lang 871 ha, bằng 78,7%; đậu tương 745 ha, bằng 90,3%; lạc 315 ha, bằng 105%; rau 13,9 nghìn ha, bằng 97,2%; đậu 118 ha, bằng 135,6%. Đến trung tuần tháng Một đã thu hoạch được trên 70% diện tích cây màu vụ Đông.

Chăn nuôi trong tháng nhìn chung ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Đàn trâu hiện có 28,7 nghìn con, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò 128 nghìn con, giảm 1,4%; đàn lợn 1,35 triệu con1, tăng 0,7%; đàn gia cầm 38,5 triệu con, giảm 1,3% (đàn gà đạt 25,8 triệu con, giảm 2,6%). Sản lượng thịt gia súc, gia cầm trong tháng dồi dào, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng Một ước đạt 172 tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò 980 tấn, tăng 2,6%; thịt lợn 20,5 nghìn tấn, tăng 5,9%; thịt gia cầm 14 nghìn tấn, tăng 2,9% (thịt gà 10,8 nghìn tấn, tăng 3,8%); trứng gia cầm 232 triệu quả, tăng 4,5% (trứng gà 116,7 triệu quả, tăng 3,3%).

1.1.   Lâm nghiệp và thủy sản

Hoạt động lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào công tác chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng, đồng thời tích cực chuẩn bị tổ chức tốt phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Quý Mão. Trong tháng Một, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 1,9 nghìn m3, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác đạt 57 ste, tăng 3,6%.

Sản lượng thủy sản tháng Một ước tính đạt 8,8 nghìn tấn (chủ yếu là sản lượng cá), tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 8,7 nghìn tấn, tăng 3,1%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 61 tấn, giảm 3,2%.

2.   Sản xuất công nghiệp

Tháng Một năm nay trùng với lịch nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Một ước tính giảm 23,1% so với tháng trước và giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 24,8% và giảm 12,3%; sản xuất và phân phối điện giảm 4% và tăng 4%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 8,6% và tăng 5,4%; khai khoáng giảm 24,4% và tăng 2,8%.

Một số ngành có chỉ số IIP trong tháng giảm so với cùng kỳ: Sản xuất máy móc, thiết bị giảm 50,5%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 29,5%; sản xuất phương tiện vận tải giảm 25,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 24,1%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 20,3%; sản xuất trang phục giảm 20,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 19,1%. Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 7,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 6,6%; sản xuất đồ uống tăng 5,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 4%; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc tăng 33,5%.

3.   Thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước

Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 01/2023 ước tính đạt 2.699 tỷ đồng, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 5,2% kế hoạch năm 2023. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp Thành phố thực hiện 1.187 tỷ đồng, giảm 22,6% và đạt 5,2%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện thực hiện 1.428 tỷ đồng, giảm 13,6% và đạt 5,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã thực hiện 84 tỷ đồng, giảm 31,6% và đạt 4,8%.

4.   Thu hút đầu tư nước ngoài và đăng ký doanh nghiệp

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Tháng 01/2023, thành phố Hà Nội thu hút 21,8 triệu USD, trong đó: 22 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 2,4 triệu USD; 9 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với vốn bổ sung đạt 14,2 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu 23 lượt, đạt 5,2 triệu USD.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp: Trong tháng Một, Thành phố có 1.551 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022; vốn đăng ký mới đạt 14 nghìn tỷ đồng, giảm 69%; thực hiện thủ tục giải thể cho 252 doanh nghiệp, giảm 21%; 7.895 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 16%; 2.855 doanh nghiệp trở lại hoạt động, giảm 13%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

5.   Thương mại, du lịch và dịch vụ

5.1.   Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tháng Một năm nay trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão nên nhu cầu tiêu dùng của người dân những ngày sát Tết tăng khá cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Một ước tính đạt 68,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 46,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% và tăng 16,7%, trong đó: Lương thực, thực phẩm tăng 13,8% và tăng 19,1%; đá quý, kim loại quý tăng 12,8% và tăng 19,7%; đồ dùng dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,2% và tăng 16,2%; xăng dầu tăng 7,1% và tăng 18,4%; nhiên liệu tăng 16,6% và tăng 27,8%; hàng hóa khác tăng 13,3% và tăng 18,9%. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 6,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% và tăng 29,3%; doanh thu du lịch, lữ hành đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% và gấp 3,3 lần cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 14,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% và tăng 10,6%.

5.2.   Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Một ước tính đạt 1.358 triệu USD, giảm 14,4% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 759 triệu USD, giảm 14,1% và tăng 5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 599 triệu USD, giảm 14,6% và giảm 5%. Trong tháng Một, các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 218 triệu USD, tăng 16,6%; xăng dầu đạt 109 triệu USD, gấp 2,6 lần cùng kỳ; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 137 triệu USD, tăng 4,1%; hàng nông sản đạt 75 triệu USD, tăng 5,2%; điện thoại và linh kiện đạt 12 triệu USD, tăng 17,5%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ như: Hàng dệt may đạt 149 triệu USD, giảm 37,6%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 65 triệu USD, giảm 21,9%; giầy dép và sản phẩm từ da đạt 40 triệu USD, giảm 3,7%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Một ước tính đạt 3.172 triệu USD, giảm 11,8% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 2.579 triệu USD, giảm 11,7% và tăng 5,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 593 triệu USD, giảm 12,1% và tăng 6,3%. Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như: Máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 576 triệu USD, tăng 20,1%; xăng dầu đạt 402 triệu USD, tăng 53,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 162 triệu USD, tăng 6,2%; thức ăn gia súc đạt 89 triệu USD, tăng 35,3%; hàng hóa khác đạt 1.112 triệu USD, tăng 17,8%. Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 226 triệu USD, giảm 20,4%; sắt thép đạt 131 triệu USD, giảm 18,2%; ngô đạt 91 triệu USD, giảm 0,2%; sản phẩm hóa chất đạt 81 triệu USD, giảm 36,4%; chất dẻo đạt 72 triệu USD, giảm 36,2%.

5.3.   Du lịch

Để thu hút du khách đến tham quan, tạo không khí vui tươi mừng năm mới, Du lịch Hà Nội đã xây dựng nhiều chương trình tour phù hợp phục vụ du khách, trọng tâm là khách nội địa với nhiều dịch vụ có mức giá ưu đãi, kích cầu du lịch. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội tháng Một ước đạt 374 nghìn lượt người, tăng 3% so với tháng trước và gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế ước đạt 245 nghìn lượt người, gấp 16 lần cùng kỳ năm trước, trong đó: Khách đến từ Hàn Quốc đạt 32,1 nghìn lượt người, gấp 5,6 lần; Nhật Bản 12,8 nghìn lượt người, gấp 6,1 lần; Mỹ 23,6 nghìn lượt người, gấp 35,4 lần; Trung Quốc 5,5 nghìn lượt người, gấp 4,2 lần; Anh 9,5 nghìn lượt người, gấp 21,3 lần; Xin-ga-po 10,3 nghìn lượt người, gấp 11,8 lần; Pháp 7,9 nghìn lượt người, gấp 22,1 lần; Đức 6,9 nghìn lượt người, gấp 34 lần; Thái Lan 15,3 nghìn lượt người, gấp 56,9 lần; Ma-lai-xi-a đạt 9,59 nghìn lượt người, gấp 58,7 lần. Khách nội địa tháng 01/2023 ước đạt 129 nghìn lượt người, tăng 14,4% so với tháng trước và tăng 42,8% so với cùng kỳ năm trước.

 5.4.   Vận tải và bưu chính chuyển phát

Tháng Một là thời điểm gần sát Tết Nguyên đán nên nhu cầu vận tải tăng cao. Thời gian này, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được Thành phố đặc biệt quan tâm. Thành phố sẵn sàng các phương án phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, trong đó: Các đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh hợp đồng bố trí xe dự phòng, tăng cường để phục vụ kịp thời, đáp ứng khi cần thiết; tàu điện Cát Linh – Hà Đông duy trì chạy hàng ngày với tần suất 10 phút/chuyến; Tổng Công ty vận tải Hà Nội huy động tổng cộng 883 xe buýt để phục vụ xuyên Tết… Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến tổ chức chạy thêm 10 đôi tàu tuyến Hà Nội – Sài Gòn và ngược lại. Các hãng hàng không (Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Bamboo Airways và Vietjet Air) mở bán vé máy bay Tết Nguyên đán 2023 với nhiều lựa chọn đa dạng về giá, giờ bay, tăng tần suất các chuyến bay Hà Nội đi các tỉnh, thành phố và ngược lại trong thời gian từ 06/01 đến 05/02/2023 (tức từ 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng), đặc biệt là linh hoạt các điều kiện hoàn, đổi vé giúp hành khách chủ động lập kế hoạch, đảm bảo đặt được vé máy bay trong dịp cao điểm.

Vận chuyển hành khách: Trong tháng Một, số lượt hành khách vận chuyển ước tính đạt 27,8 triệu lượt người, tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 39,8% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 889 triệu lượt người.km, tăng 4,5% và tăng 81,9%; doanh thu ước tính đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% và tăng 52,2%.

Vận tải hàng hóa: Khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng Một ước tính đạt 112,2 triệu tấn, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 10,5 tỷ tấn.km, tăng 2,1% và tăng 12,8%; doanh thu ước tính đạt 6,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% và tăng 14,7%.

Doanh thu hoạt động hỗ trợ vận tải: Tháng Một ước tính đạt 6,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 23,6% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ bưu chính chuyển phát: Tháng Một ước tính đạt 918 tỷ đồng, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước.

6. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2023 tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 3,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng Một, 9/11 nhóm hàng có CPI tăng so với tháng trước, trong đó cao nhất là nhóm giao thông tăng 1,14% (tác động làm tăng CPI chung 0,11%) do giá xăng điều chỉnh tăng ngày 01/01/2023 và ngày 03/01/2023 (bình quân trong tháng giá xăng tăng 1,95%). Tiếp theo là nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,01% (tác động làm tăng CPI chung 0,02%) do đây là thời điểm sát Tết Nguyên đán nên nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,93% (tác động làm giảm CPI chung 0,29%), trong đó thực phẩm tăng 1,17%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,49%; lương thực tăng 0,44%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,57% (tác động làm tăng CPI chung 0,03%). Các nhóm có chỉ số giá tăng nhẹ: May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,22%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,21%; giáo dục tăng 0,03%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,57%. Có 2/11 nhóm hàng CPI giảm so với tháng trước: Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,69% (tác động làm giảm CPI chung 0,14%) do giá gas đun giảm 4,64%; giá dầu hỏa giảm 2,09%; đồng thời sản lượng tiêu thụ điện, nước giảm dẫn đến giá bình quân giảm (điện giảm 0,33%, nước giảm 0,7%). Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,01%.

Chỉ số giá vàng tháng 01/2023 tăng 0,65% so với tháng trước và tăng 1,96% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 01/2023 giảm 2,24% so với tháng trước và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

7. Tài chính, ngân hàng và thị trường chứng khoán

7.1.   Thu, chi ngân sách

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 01/2023 ước thực hiện 51,5 nghìn tỷ đồng, đạt 14,6% dự toán và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: Thu nội địa 49,3 nghìn tỷ đồng, đạt 15,2% dự toán và tăng 15,1%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu hơn 1,8 nghìn tỷ đồng, đạt 6,7% dự toán và bằng 60% cùng kỳ; thu từ dầu thô 400 tỷ đồng, đạt 19% dự toán.

Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong tháng Một năm 2023: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước thực hiện 12,6 nghìn tỷ đồng, đạt 21,3% dự toán và gấp 1,9 lần cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 4,9 nghìn tỷ đồng, đạt 20,5% và tăng 41,9%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước 13,4 nghìn tỷ đồng, đạt 18,1% và tăng 58%; thuế thu nhập cá nhân 4 nghìn tỷ đồng, đạt 10,4% và giảm 5,8%; thu tiền sử dụng đất 0,6 nghìn tỷ đồng, đạt 3,5% và giảm 54,4%; thu lệ phí trước bạ 0,6 nghìn tỷ đồng, đạt 6,9% và giảm 37,9%; thu phí và lệ phí 2 nghìn tỷ đồng, đạt 11,4% và giảm 3,1%.

Chi ngân sách địa phương tháng 01/2023 ước thực hiện 8,8 nghìn tỷ đồng, đạt 8,4% dự toán đầu năm và tăng 66% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chi đầu tư phát triển 1,9 nghìn tỷ đồng, đạt 4% dự toán và gấp 2,5 lần cùng kỳ; chi thường xuyên 6,9 nghìn tỷ đồng, đạt 12,4% và tăng 60,4%.

7.2.   Tín dụng ngân hàng

Tình hình thực hiện lãi suất: Tháng Một, các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về lãi suất do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, phổ biến ở mức 0,1 – 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5,0 – 6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 6,0 – 8,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 7,3 – 9,4%/năm. Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản vay cũ và mới còn dư nợ ở mức 8,8 – 10,3%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 4,5%/năm theo quy định của NHNN. Lãi suất huy động USD của Tổ chức tín dụng ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và doanh nghiệp.

Hoạt động huy động vốn: Ước đến cuối tháng 01/2023, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn Thành phố đạt 4.653 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với thời điểm kết thúc năm 2022, trong đó tiền gửi đạt 4.250 nghìn tỷ đồng4, tăng 1%; phát hành giấy tờ có giá đạt 403 nghìn tỷ đồng, tương đương cuối năm trước.

Hoạt động tín dụng: Ước đến cuối tháng 01/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt 3.031 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với thời điểm kết thúc năm 2022, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.179 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.852 nghìn tỷ đồng, tăng 1%. Các TCTD tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các khoản vay có vấn đề trước khi phát sinh tình trạng nợ xấu. Đến cuối tháng 01/2023, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 1,9% trong tổng dư nợ và 2,1% tổng dư nợ cho vay.

Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng trên địa bàn Thành phố: Cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp chiếm 19,6% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 19,2%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 9,1%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,2%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,4%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,4%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,5%. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội tiếp tục triển khai các chính sách, biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định, xem xét cho khách hàng vay mới, vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm phí các dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

7.3.   Thị trường chứng khoán

Tính đến hết tháng 12/2022, trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán (HNX và Upcom) do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 1.197 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, trong đó HNX có 341 doanh nghiệp và Upcom có 856 doanh nghiệp. Giá trị niêm yết trên cả hai sàn đạt 553 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó HNX đạt 147 nghìn tỷ đồng, tăng 1% và tăng 12,9%; Upcom đạt 406 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% và tăng 3,6%. Giá trị vốn hóa toàn thị trường tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng Mười Hai đạt 1.209 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và giảm 37,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó HNX đạt 252 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% và giảm 50,6%; Upcom đạt 957 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% và giảm 32,5%.

8.   Một số vấn đề xã hội

8.1.   Công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán

Công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Quý Mão được Thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện từ sớm nên việc tổ chức phục vụ Tết được đảm bảo, tạo không khí đón Xuân mới vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với phương châm “Mọi người, mọi nhà đều có Tết”. Thực hiện trang trí hoa, cây cảnh trên các khu vực trung tâm Thành phố vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp trên địa bàn, thu gom rác, phế thải tồn đọng tại khu dân cư, đường phố, thôn xóm và các điểm công cộng. Tổ chức triển khai thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao Kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng Xuân Quý Mão 2023. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội trong dịp Tết. Thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin công cộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, giới thiệu những thành tựu kinh tế – xã hội, các sự kiện nổi bật của Thành phố năm 2022 và nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2023; tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thành phố.

Thành phố tăng cường bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cho nhân dân vui Tết. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các địa điểm lễ hội, vui chơi giải trí, những nơi tập trung đông người. Phát động đợt cao điểm ra quân tập trung phòng, chống tội phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, đốt pháo nổ trái phép. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác phòng cháy chữa cháy.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết cũng được đặc biệt quan tâm. Thành phố đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường lực lượng phục vụ thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa, phối hợp các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối, thuận lợi cho khách quốc tế, Việt kiều đến sân bay Nội Bài trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, chống buôn lậu và gian lận thương mại, phối hợp phòng chống lây lan dịch bệnh từ khách quốc tế vào nội địa thông qua cảng hàng không.

8.2.   Giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội

Giải quyết việc làm: Tháng Một, Thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 13,8 nghìn người, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền là 219,7 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho gần 4,2 nghìn người). Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức thành công 20 phiên giao dịch việc làm với 498 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, kết quả có

1.053 người được tuyển dụng sau khi kết thúc phiên giao dịch. Cũng trong tháng Một, Thành phố ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho gần 3,8 nghìn người với số tiền hỗ trợ 108,2 tỷ đồng, tư vấn giới thiệu việc làm cho 3,7 nghìn người; hỗ trợ học nghề cho 36 người, số tiền hỗ trợ học nghề là 158,4 triệu đồng.

Bảo đảm an sinh xã hội: Trong tháng, Thành phố tập trung rà soát tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện hỗ trợ Tết Nguyên đán, không để người dân bị thiếu đói, đảm bảo mọi

người dân được vui Tết, đón Xuân an toàn, no ấm. Thành phố thực hiện tốt việc chăm lo, thăm hỏi, chúc Tết các đối tượng chính sách, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng…; tổ chức tốt thăm hỏi, tặng quà cho người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Đến ngày 26/01/2023 Thành phố Hà Nội trao tặng hơn 1.652 nghìn suất quà cho các đối tượng chính sách ưu đãi người có công; người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; cán bộ nghỉ hưu, mất sức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; các tổ chức, gia đình, cá nhân tiêu biểu; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… với tổng kinh phí 825,5 tỷ đồng, trong đó gần 95 nghìn suất quà từ nguồn vận động xã hội hóa, trị giá 126,3 tỷ đồng, chiếm 15,3% tổng kinh phí quà tặng. Đến nay, tỷ lệ quà tặng toàn Thành phố đạt 148,9% so với Kế hoạch, tăng 14,1% so với quà tặng Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 20225. Thành phố cũng đã chi trả trợ cấp tháng Một và tháng Hai năm 2023 cho gần 82 nghìn người đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng với số tiền 298 tỷ đồng; trên 202 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng cũng được nhận trợ cấp theo quy định. Ngoài ra, các cấp công đoàn, các Khu công nghiệp và chế xuất, các doanh nghiệp đã tặng hơn 625 nghìn suất quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 196,1 tỷ đồng.

8.3.   Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội

Năm 2023, theo kế hoạch Thành phố giao: Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 93,5% dân số. Tỷ lệ tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) đạt 45% số người trong độ tuổi lao động, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm 2%. Số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 39% lực lượng lao động.

Tính đến hết tháng 01/2023, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế của Thành phố đạt 92,9% dân số6 với 7.740 nghìn người tham gia, tăng 0,04% so với cuối năm 2022 và tăng 4,2% so với cùng thời điểm năm 2022; có 1.986 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc (chiếm 40,5% lực lượng trong độ tuổi lao động), tăng 0,18% so với thời điểm 31/12/2022 và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; hơn 75,4 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện (chiếm 1,5%), tăng 0,5% và tăng 16,1%; gần 1.919 nghìn người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (chiếm 39%), tăng 0,1% và tăng 6,1%.

Cục Thống kê TP Hà Nội.

By Phổ biến thông tin thống kê

Cảm ơn bạn đã đọc bài

Related Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *