T7. Th7 27th, 2024

ĐIỂM SÁNG TÌNH HÌNH KINH TẾ – XÃ HỘI QUÝ IV VÀ NĂM 2022

Kinh tế – xã hội năm 2022 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động nhanh, khó lường làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được các tổ chức quốc tế dự báo tăng hoặc giữ nguyên so với dự báo tại thời điểm quý III/2022 nhưng thấp hơn tăng trưởng của năm 2021[1]. Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, kinh tế – xã hội năm 2022 của nước ta khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ với mức tăng trưởng cao. Một số điểm sáng của các ngành, lĩnh vực trong quý IV và năm 2022 như sau:

 (1) Hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực ở cả ba khu vực kinh tế. GDP năm 2022 tăng cao ở mức 8,02% so với năm trước, là mức tăng cao nhất các năm trong giai đoạn 2011-2022. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1%. Khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%; trong đó nhiều ngành dịch vụ thị trường tăng cao như bán buôn, bán lẻ tăng 10,15%; vận tải kho bãi tăng 11,93%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 40,61%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,03%.

Hình 1: Tốc độ tăng GDP các năm 2018-2022 (%)

(2) Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước và xuất khẩu. Sản lượng lúa mùa ước đạt 8,21 triệu tấn, tăng 151,9 nghìn tấn; sản lượng một số cây lâu năm tăng khá như sầu riêng ước tăng 25%; mít tăng 16%; cam tăng 8,2%; chè búp tăng 3,4%; cà phê (nhân) tăng 2,8%.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 12/2022 tăng 11,4% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số gia cầm tăng 4,8%; tổng số bò tăng 3,1%.

Nuôi trồng cá tra phát triển khá do giá cá tra nguyên liệu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long và nhu cầu thị trường thế giới tăng cao. Sản lượng cá tra quý IV/2022 ước tăng 5,2% so cùng kỳ năm trước; tính chung năm 2022 ước tăng 10,2% so với năm trước.

(3) Ngành công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 7,8% so với năm trước, trong đó nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao.

Hình 2: Tốc độ tăng chỉ số sản xuất năm 2022 so với năm trước
          của một số ngành công nghiệp trọng điểm (%)

(4) Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước và là mức tăng cao trong nhiều năm trở lại đây[2].

 Hoạt động vận tải trong quý IV/2022 tiếp tục đạt kết quả tích cực cả về vận tải hành khách và hàng hóa. Trong đó, vận chuyển hành khách gấp 2,3 lần và luân chuyển hành khách gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hoá tăng lần lượt là 26,6% và 23,8%. Tính chung năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 52,8% và luân chuyển tăng 78,3% so với năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 23,7% và luân chuyển tăng 29,4%.

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng Mười Hai đạt 707,1 nghìn lượt người, tăng 18,5% so với tháng trước và gấp 41,2 lần so với năm trước. Tính chung năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 3.661,2 nghìn lượt người, gấp 23,3 lần so với năm 2021.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng khá và có mức thặng dư tích cực. Tính chung năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%[3]; ước tính ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD.

 (5) Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng cao. Năm 2022, cả nước có 148,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký là 981,3 nghìn người, tăng 27,1% về số doanh nghiệp và tăng 14,9% về số lao động so với năm trước; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 59,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,8%. Tính chung số doanh nghiệp gia nhập thị trường năm nay đạt 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021.

(6) Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%, cao nhất trong 5 năm qua.

Hình 5: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện

các năm 2018-2022  

(7) Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước, thấp hơn mức tăng 3,54% và 3,23% của năm 2018 và 2020; cao hơn mức tăng 2,79% và 1,84% của năm 2019 và năm 2021. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 tăng 2,59%.

Hình 6: Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 12, quý IV

và bình quân các năm giai đoạn 2018-2022 (%)

(8) Số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng.

Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong năm 2022 ước tính đạt 50,6 triệu người, tăng 1.504,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 992 nghìn đồng.

Tính đến ngày 30/11/2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 3,74 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ gần 5,3 triệu lượt lao động tại gần 123 nghìn doanh nghiệp.

[1] Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng toàn cầu tại thời điểm tháng 7/2022 đạt 3,2%; Fitch Ratings điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo 2,4% tại thời điểm tháng 9/2022; Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế nhận định tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 đạt 3,1%, tăng 0,1 điểm phần trăm.
[2] Tốc độ tăng/giảm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng các năm 2018-2022 lần lượt là: 11%; 12,5%; 0,75%; -4,8%; 19,8%.
[3] Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 669 tỷ USD, tăng 22,7% so với năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 336,2 tỷ USD, tăng 18,9%; nhập khẩu đạt 332,8 tỷ USD, tăng 26,7%.

Tổng cục Thống kê.

By Phổ biến thông tin thống kê

Cảm ơn bạn đã đọc bài

Related Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *