T7. Th7 27th, 2024

Nghề nào cũng quí, con làm nghề gì cũng được, nhưng phải yêu công việc của mình

Cách đây 30 năm, vừa tốt nghiệp đại học, tôi được nhận vào ngành thống kê, công tác tại Phòng Thống kê Tổng hợp, Cục Thống kê TP Hà Nội. Khi mới bắt đầu vào công việc, tôi còn rất nhiều bỡ ngỡ, cả về chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm trong cuộc sống. Thời gian đầu, nhiệm vụ chủ yếu của tôi là nghiên cứu tài liệu, hàng tháng sang các Sở, ngành để thu thập thông tin và tham gia các cuộc điều tra thống kê. Tôi vẫn nhớ những kỷ niệm trong lần đầu tiên tham gia các cuộc điều tra thu thập số liệu.
Cuộc điều tra đầu tiên mà tôi tham gia là Điều tra đa mục tiêu (sau này là Khảo sát mức sống dân cư), đây là cuộc điều tra chọn mẫu mà đối tượng điều tra là hộ gia đình. Ngày ấy, thời gian học ở trường đại học, tôi cũng như các bạn cùng lớp, không có cơ hội để đi thực tế như bây giờ; khi bắt đầu đi làm thì mới bắt đầu tham gia các cuộc điều tra.
Lúc đó, khi nhận được thông báo mình sẽ làm điều tra viên cuộc điều tra này, tôi khá hồi hộp. Tham dự tập huấn, tôi chăm chú lắng nghe các giảng viên giảng về lý thuyết và thực hành trên lớp, nhưng vẫn còn khá lạ lẫm, chưa tưởng tượng ra thực tế sẽ làm như thế nào. Vì vậy, tôi nghĩ cần phải thực hành thêm ở nhà để lúc tiến hành làm trực tiếp tại hộ gia đình sẽ được thành thạo hơn.
Nghĩ là làm; tối hôm đó tôi hăm hở tiến hành phỏng vấn thử ở nhà mình, và người được tôi chọn tham gia cuộc thử nghiệm là bố tôi. Ăn tối xong, tôi chờ bố uống nước xong mới trình bày ý định của mình. Bố tôi vì chiều và cũng muốn động viên con gái nên gật đầu đồng ý. Tôi bắt đầu lấy tập tài liệu ra, thực hiện phỏng vấn theo đúng qui trình được hướng dẫn.
Đầu tiên là màn chào hỏi, rồi giới thiệu mục đích, ý nghĩa, nội dung cuộc điều tra. Phần này có vẻ thành công vì đối tượng điều tra là chủ hộ gật gù có vẻ hiểu vấn đề lắm. Tiếp theo là phần phỏng vấn để ghi phiếu điều tra. Xác định xong các thành viên của hộ gia đình, tôi đọc chậm rãi các câu hỏi và lắng nghe câu trả lời để ghi vào phiếu.
Đầu tiên là: “Xin ông cho biết tên, giới tính, ngày tháng năm sinh của chủ hộ và các thành viên trong hộ gia đình”. Người trả lời ngẫm nghĩ và chậm rãi đọc lần lượt thông tin từng người trong hộ gia đình, tôi thì cúi đầu thoăn thoắt ghi chép vào phiếu. Phấn khởi lắm, vì bước đầu như vậy là khá suôn sẻ.
Được chừng chục câu, sau khi đọc xong câu hỏi không thấy tiếng bố trả lời, ngẩng lên nhìn thì thấy bố đã ngủ từ bao giờ, tôi lại năn nỉ bố ngồi đậy để tiếp tục trả lời phỏng vấn. Hì hục mãi mất cả buổi tối vẫn chưa xong bảng hỏi, cả điều tra viên và chủ hộ đều mệt nhoài nên tạm dừng lại vậy.
Tuy nhiên, tôi vẫn khá lo lắng cho việc xuống thực địa nên quyết định tối hôm sau thử nghiệm lần hai. Lần hai có vẻ trôi chảy hơn, do tôi đã phần nào thuộc bài hơn, không cần kè kè tài liệu khi giới thiệu mục đích, ý nghĩa cuộc điều tra nữa, một số câu hỏi không cần nhìn giấy cũng có thể nói được. Do đó, thời gian phỏng vấn được rút xuống. Bố tôi cũng đỡ ngủ gật trong quá trình trả lời phiếu hơn do có sự hỗ trợ của bình trà đặc.
Đến lần thử nghiệm thứ ba thì khá khả quan rồi, cả điều tra viên và chủ nhà đều thành thạo trong việc hỏi và trả lời. Thậm chí bố còn góp ý với tôi những chỗ đặt câu hỏi chưa khéo, gây khó hiểu cho người được phỏng vấn, hoặc phải ghi nhớ những câu người được phỏng vấn đã trả lời để không hỏi lại nữa. Tôi cũng tự tập thêm ở cơ quan, cố gắng học thuộc bảng câu hỏi, ghi nhớ các câu, các phần có logic với nhau để đỡ mất công lật giở lại trang trước nhằm tránh mất thời gian và gây khó chịu cho người trả lời.
Sau khoảng một tuần, tôi đã khá tự tin để xuống địa bàn thực hiện cuộc điều tra. Một khó khăn nữa đặt ra, do đây là cuộc điều tra với đối tượng điều tra là hộ gia đình, nên để tiếp xúc được với chủ hộ hay người nắm thông tin của gia đình thì phải đi thu thập thông tin vào buổi tối hoặc ngày nghỉ.
Do thời gian xuống địa bàn chỉ giới hạn trong khoảng 2 tuần nên tôi không tránh được việc đi làm vào buổi tối. Thời gian đó, ở Hà Nội có một số địa bàn là điểm nóng về tệ nạn xã hội, việc một người cô gái trẻ đi một mình vào buổi tối xuống địa bàn cũng khá đáng ngại. Vậy là bố tôi lại là người đưa đón tôi đi làm. Chiều tan làm ở cơ quan, bố đến đón tôi đưa xuống địa bàn được phân công, hẹn 21-22 giờ sẽ đến đón, trong thời gian đó tôi sẽ đi cùng bác tổ trưởng dân phố, nếu bố chưa đến thì cứ ngồi chờ. Xuống địa bàn, cũng có nhiều tình huống khác nhau, có hộ gia đình không hợp tác, tôi phải giải thích kỹ về mục đích ý nghĩa của cuộc điều tra, cam kết giữ bí mật các thông tin của hộ cung cấp; nhưng cũng có những hộ gia đình rất vui vẻ hợp tác, lúc tôi chào ra về còn tặng cho nải chuối, củ khoai trong vườn nhà; có gia đình có rất đông người, nhưng không sinh hoạt thường xuyên tại hộ, phải mất nhiều thời gian để xác định đúng thành viên trong hộ; hoặc có những hộ kê khai thiếu về việc làm, thu thập, tôi phải mất vài lần quay lại và vận dụng hết sự khéo léo mới khai thác được đầy đủ thông tin… Mặc dù, lúc xuống thực địa cũng còn một vài điểm cần rút kinh nghiệm nhưng tôi đã hoàn thành cuộc điều tra đầu tiên của mình với chất lượng tốt.
Cuộc điều tra thứ hai là thu thập thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đối tượng điều tra khác với cuộc điều tra trước. Giống lần đầu tiên, tôi tham dự tập huấn đầy đủ, lắng nghe và ghi chép cẩn thận các hướng dẫn của giảng viên. Nhưng đến khi thực tế đi đến doanh nghiệp thì tôi khá lúng túng, hơi sợ vì không biết đến phải gặp ai, trình bày như thế nào. Vậy là bố lại đưa tôi đi và hướng dẫn cho tôi cách tiếp xúc, trao đổi với người có trách nhiệm trả lời. Từ cách phải chào hỏi như thế nào, cần gặp gỡ những phòng ban nào trong doanh nghiệp, đến trang phục thế nào cho phù hợp và phong thái khi làm việc…
Nội dung các câu hỏi trong phiếu điều tra và nghiệp vụ chuyên môn thì tôi đã nắm chắc rồi nên không lo lắng lắm. Bố đưa tôi đến nơi và thường đợi tôi ở ngoài cổng hoặc quán nước gần đó. Mất khoảng chục ngày hai bố con rong ruổi khắp thành phố, có những doanh nghiệp đến nơi không gặp được người có trách nhiệm tôi lại phải ngồi chờ, hoặc có những doanh nghiệp gặp một số người cẩn thận hỏi han kỹ lưỡng về nội dung phiếu mới kê khai, mất thời gian hơn so với các nơi khác. Nhưng bố tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi tôi hoàn thành công việc. Cứ như vậy, từng chút một, bố đã giúp tôi tự tin hơn để hoàn thành tốt cuộc điều tra.
Đi làm rồi mới biết ngành thống kê khá vất vả, không như tôi tưởng tượng khi còn đi học. Hàng tháng tôi phải đi thu thập số liệu ở các cơ quan, đơn vị về lập báo cáo, tham gia các cuộc điều tra, nhập số liệu thu thập được vào máy tính, tổng hợp, phân tích số liệu… Những kiến thức được học ở trường chưa đủ, tôi phải tham gia thêm khá nhiều lớp tập huấn để nâng cao thêm trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Những năm đầu đi làm có những lúc tôi cảm thấy mệt mỏi, chán nản hoặc muốn chuyển nghề. Bố tôi lại động viên, khuyến khích tôi làm việc. Bố tôi nói “Nghề nào cũng quí, con làm nghề gì cũng được, nhưng phải yêu công việc của mình, kiên trì với nó và thấy công việc của mình có ích cho xã hội, có như vậy con mới thành công được”. Dần dần, tôi càng gắn bó và cảm thấy yêu công việc của mình hơn. Tôi không còn cảm thấy áp lực, thấy mệt mỏi khi sắp đến kỳ phải làm báo cáo, không cảm thấy ngại khi nắng nóng hay mưa rét phải đi đến các cơ sở, địa bàn để thu thập số liệu và cảm thấy vui khi những báo cáo, số liệu của ngành thống kê ngày càng được nhiều người dùng tin biết đến và sử dụng.
Khi tôi kể lại câu chuyện này, có thể có người sẽ lầm tưởng là bố tôi cũng công tác trong Ngành, thậm chí hai bố con cùng làm việc trong cơ quan. Nhưng thật ra bố tôi công tác ở ngành Phát thanh, chuyên môn của bố tôi không liên quan gì đến ngành Thống kê, bố cũng chưa từng tham gia khóa học hay khóa tập huấn nào của ngành Thống kê. Bố cũng chính là người định hướng cho tôi lựa chọn vào học tại khoa Thống kê. Đến khi tôi ra trường nhận công tác, bố luôn là người động viên, hướng dẫn, truyền cho tôi sự kiên trì, nhiệt tình với ngành và giúp tôi có thêm nghị lực để hoàn thành tốt các công việc được giao.
Sau 30 năm ra trường, tôi đã đúc rút được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm việc. Trong hành trang cuộc đời, tôi luôn biết ơn người các thầy cô giáo Khoa Thống kê Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và các cô chú, anh chị đồng nghiệp đã trang bị cho tôi những kiến thức về chuyên môn; và bố tôi, người đã hướng dẫn cho tôi những kinh nghiệm làm việc, thường xuyên động viên để tôi có thể tự tin trong quá trình công tác.
Tác giả: Nguyễn Thúy Chinh, Pho’ Cục trưởng Cục Thống kê TP Hà Nội.

By Phổ biến thông tin thống kê

Cảm ơn bạn đã đọc bài

Related Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *