T7. Th7 27th, 2024

Công tác và gắn bó trong ngành Thống kê đã hơn 10 năm, có những câu chuyện trong mỗi lần đi cơ sở làm tôi không thể quên…

Năm đó, khi mới bước chân vào ngành thống kê, một cô bé sinh viên mới ra trường với đầy bỡ ngỡ và chưa từng trải qua khó khăn nào trong cuộc sống. Tôi được tham gia dự án chia sẻ do Ngành cử đi, đây là một cuộc điều tra khá khó đối với một sinh viên mới ra trường như tôi, nhưng cái khó khăn hơn nữa là chúng tôi đi điều tra ở những địa bàn khó khăn nhất của 2 huyện Su Phì và Xín Mần. Đoàn chúng tôi gồm 8 người, 4 người Hà Giang và 4 người Hà Nội, phương tiện đi lại rất khó khăn, đi đến đâu là mượn xe đến đấy do những người ở xa không có phương tiện đi lại, vả lại lại chưa đi đường vùng cao bao giờ nên càng khó khăn hơn nữa. Thời gian tham gia cuộc điều tra này khoảng hơn 1 tháng, đoàn chúng tôi lên đường với bao nhiệt huyết, theo kinh nghiệm của những người đi trước, địa bàn của chúng tôi làm việc đều là địa bàn đi lại khó khăn, khá xa trung tâm nên hành trang chúng tôi mang theo chủ yếu là đồ khô như: gạo, trứng, cá khô, lạc rang…Mặc dù đã được biết trước nhưng khi đến tận nơi chúng tôi mới thấm thía những vất vả mà người dân nơi đây phải chịu. Gọi là đường nhưng thực ra chỉ là lối mòn men theo sườn núi vừa đủ cho hai xe máy tránh nhau. Không những thế, lại còn quanh co, nham nhở những ổ gà. Có những đoạn đi qua khe núi, chúng tôi còn không phân biệt được đâu là lòng suối, đâu là đường đi. Mất gần một buổi sáng chúng tôi cũng đến được thôn, làm quen với trưởng thôn xong, đội trưởng của chúng tôi ngỏ ý muốn được ăn ngủ nhờ tại điểm trường của thôn, ở đó có bếp núc của giáo viên, chúng tôi có thể tự nấu ăn. Nhưng mọi chuyện không hề đơn giản vậy, trong thôn không hề có điện và nguồn nước sinh hoạt duy nhất là ống nước do người dân dẫn về vừa sinh hoạt vừa đưa nước vào ruộng, do nước không được bảo vệ nên khá đục. Tuy nhiên, đoàn chúng tôi cũng cố gắng khắc phục. Ban ngày chúng tôi chia nhau đến các hộ dân để thu thập thông tin, chặng đường đi bộ đến hộ dân khá vất vả do họ ở rất xa nhau. Tối đến mọi người tập trung tại điểm trường để ăn uống và nghỉ ngơi, do ở điểm trường là các lớp học của các cháu bé, chúng tôi lấy bàn làm giường, lấy phiếu làm gối và lấy áo làm chăn… vất vả là thế nhưng mọi người đều rất vui coi đây là 1 thử thách và trải nghiệm của cuộc sống. Trong suốt quãng thời gian điều tra, gặp rất nhiều những người dân khó khăn, vất vả nhưng có 1 câu chuyện tôi vẫn nhớ mãi trong lòng, đó là hoàn cảnh 1 hộ dân ở xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì. Đây là nơi chúng tôi ăn ngủ nhờ khi thực hiện thu thập thông tin ở địa bàn thôn. Bước vào nhà là di ảnh 1 người đàn ông, nhìn vẻ bề ngoài thì đây là 1 người trung niên với gương mặt sáng sủa. Hỏi thăm mới biết người này là 1 cán bộ ở xã và cũng là người chồng, người cha trong gia đình. Để phấn đấu trong công tác nên gia đình đã cố gắng cho ông tham gia học lớp đại học tại chức năm năm, khi vừa nhận được tấm bằng đại học thì không may tai nạn qua đời. Trong gia đình có 2 người con, người con gái lớn năm nay 14 tuổi và con trai út năm nay 12 tuổi, cả 2 đều phải nghỉ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn sau khi bố mất. Do bố mất sớm, gia đình không còn nơi nương tựa, mặc dù chưa đủ tuổi kết hôn nhưng do quá khó khăn nên mẹ đã gả con gái cho 1 cậu bé 9 tuổi ở cạnh đó đê lấy lễ vật là 1 con lợn, 2 can rượu, gạo nếp và 1 số đồng bạc già để có thể trang trải cho cuộc sống…về phía cô gái do “chồng” còn quá bé nên ban ngày cô sang nhà chồng để làm nương rẫy, tối lại về nhà mẹ đẻ để ngủ. Trong gia đình người trụ cột bây giờ là cậu con trai 12 tuổi với gương mặt thông minh và ánh mắt rất sáng, nhìn vào gương mặt ấy không ai bảo cậu là người dân tộc thiểu số cả, tuy còn ít tuổi nhưng những công việc nặng nhọc như: bổ củi, xay xát, sử dụng máy nổ… đều đến tay cậu. Nhìn dáng người nhỏ bé bổ từng khúc củi mà tim tôi nhói đau, nước mắt trực trào ra, nghĩ thấy mình quá may mắn khi được sinh ra trong 1 hoàn cảnh tốt hơn rất nhiều người…

Rời huyện Hoàng Su Phì chúng tôi tiếp tục hành trình tại các thôn khác tại huyện Xín Mần, mỗi 1 mảnh đất là 1 câu chuyện, nhưng ánh mắt của cậu bé kia luôn in đậm trong tâm trí tôi.

Tác giả: Vũ Thị Thu

Chi cục Thống kê khu vực Bắc Quang – Quang Bình

Cục Thống kê Hà Giang

By Phổ biến thông tin thống kê

Cảm ơn bạn đã đọc bài

Related Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *