T7. Th7 27th, 2024

Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo Quý I năm 2023 và dự báo Quý II năm 2023

Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng quý bao gồm 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 5.300 doanh nghiệp ngành xây dựng được chọn mẫu điều tra, đại diện cho toàn ngành chế biến, chế tạo và xây dựng của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng số doanh nghiệp trả lời trong kỳ điều tra quý I/2023 là 5.622 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 86,5% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra) và 4.974 doanh nghiệp ngành xây dựng (chiếm 93,5% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra).

          XU HƯỚNG SẢN XUẤT KINH DOANH NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO

          Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động SXKD quý I/2023 khó khăn hơn quý IV/2022 với 61,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý I/2023 so với quý IV/2022 tốt hơn và giữ ổn định (24,3% tốt hơn và 37,2% giữ ổn định), 38,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn[1]. Dự báo quý II/2023 khả quan hơn quý I/2023 với 79,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý II/2023 so với quý I/2023 tốt hơn và giữ ổn định (44,1% tốt hơn, 35,3% giữ ổn định), 20,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.

1. Tổng quan chung về hoạt động SXKD

          Đánh giá hoạt động SXKD của doanh nghiệp có thể dựa trên các chỉ số cân bằng[2]. Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD của doanh nghiệp, các chỉ số cân bằng thành phần (đơn đặt hàng mới, sử dụng lao động, khối lượng sản xuất và tồn kho thành phẩm) đánh giá về từng hoạt động SXKD cụ thể của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

            Chỉ số cân bằng chung

           Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD quý I/2023 so với quý IV/2022 là -14,2% (24,3% nhận định tăng, 38,5% nhận định giảm). Chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cao nhất với -13,6% (24,7% tăng, 38,3% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI -14,9% (23,8% tăng, 38,7% giảm); khu vực doanh nghiệp nhà nước -18,2% (22,3% tăng, 40,5% giảm).

          Chỉ số cân bằng chung quý II/2023 so với quý I/2023 là 23,5% (44,1% doanh nghiệp dự báo tăng, 20,6% doanh nghiệp dự báo giảm). Chỉ số cân bằng khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cao nhất với 25,4% (45,2% tăng, 19,8% giảm); khu vực doanh nghiệp nhà nước 21,9% (45,5% tăng, 23,6% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI 19,7% (41,5% tăng, 21,8% giảm).

          Chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới

         Chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới quý I/2023 so với quý IV/2022 là -17,6% (22,1% doanh nghiệp nhận định tăng, 39,7% doanh nghiệp nhận định giảm). Trong đó, chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt cao nhất với -16,0%; khu vực doanh nghiệp FDI -20,5%; thấp nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước với -20,7%.

         Chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới quý II/2023 so với quý I/2023 là 20,7% (41,2% doanh nghiệp dự báo tăng và 20,5% doanh nghiệp dự báo giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 22,6%; khu vực doanh nghiệp nhà nước 20,0% và khu vực doanh nghiệp FDI 16,9%.

          Chỉ số cân bằng sử dụng lao động

         Chỉ số cân bằng sử dụng lao động quý I/2023 so với quý IV/2022 là -12,1% (10,5% doanh nghiệp nhận định tăng, 22,6% doanh nghiệp nhận định giảm). Chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp FDI cao nhất với -11,6% (16,1% tăng, 27,7% giảm); khu vực doanh nghiệp nhà nước -12,0% (8,3% tăng, 20,3% giảm); thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với -12,4% (8,1% tăng, 20,5% giảm).

          Chỉ số cân bằng sử dụng lao động quý II/2023 so với quý I/2023 là 2,9% (16,7% tăng và 13,8% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 5,5%; khu vực doanh nghiệp nhà nước 2,7% và khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 1,8%.

          Chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất

         Chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất quý I/2023 so với quý IV/2022 là -14,5% (24,9% doanh nghiệp nhận định tăng; 39,4% doanh nghiệp nhận định giảm). Chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cao nhất với -12,9% (25,9% tăng, 38,8% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI -16,8% (23,3% tăng, 40,1% giảm); thấp nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước -21,6% (20,9% tăng, 42,5% giảm).

          Chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất quý II/2023 so với quý I/2023 là 23,2% (43,1% tăng, 19,9% giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 24,7%; khu vực doanh nghiệp nhà nước 24,6% và khu vực doanh nghiệp FDI 19,7%.

         Chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm

         Chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm quý I/2023 so với quý IV/2022 là -8,4% (21,2% doanh nghiệp nhận định tăng và 29,6% doanh nghiệp nhận định giảm). Chỉ số cân bằng ở khu vực doanh nghiệp nhà nước cao nhất với -5,3% (23,6% tăng, 28,9% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI -6,6% (22,7% tăng, 29,3% giảm); thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -9,4% (20,4% tăng, 29,8% giảm).

         Chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm quý II/2023 so với quý I/2023 là -12,6% (17,3% tăng, 29,9% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với -5,5%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước -15,5% và khu vực doanh nghiệp nhà nước -16,3%.

2. Biến động của các yếu tố đầu vào

2.1. Số lượng đơn đặt hàng

          Theo kết quả khảo sát quý I/2023, có 60,3% số doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý IV/2022 (22,1% tăng, 38,2% giữ nguyên); 39,7% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm[3].

          Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất thuốc lá có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng mới quý I/2023 so với quý IV/2022 tăng cao nhất với 35,3%. Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng giảm nhiều nhất với 58,0%.

          Dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý II/2023 so với quý I/2023 tăng với 79,5% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (41,2% tăng, 38,3% giữ nguyên), 20,5% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

         Đơn đặt hàng xuất khẩu mới

          Trong số các doanh nghiệp được khảo sát, có 59,9% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2023 tăng và giữ nguyên so với quý IV/2022 (16,9% tăng, 43,0% giữ nguyên), tỷ lệ doanh nghiệp nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm là 40,1%[4].

          Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất kim loại có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2023 so với quý IV/2022 tăng cao nhất với 30,4%. Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhiều nhất với 64,1%.

          Các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý II/2023 khả quan hơn với 76,6% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý I/2023 (33,5% tăng, 43,1% giữ nguyên); 23,4% doanh nghiệp dự báo giảm.

2.2. Sử dụng lao động

         Lao động trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023, có 10,5% doanh nghiệp nhận định sử dụng lao động so với quý I/2023 tăng; 66,9% doanh nghiệp nhận định giữ nguyên và 22,6% doanh nghiệp nhận định giảm[5].

          Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động quý I/2023 so với quý IV/2022 tăng cao nhất với 22,1%. Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động quý I/2023 so với quý IV/2022 giảm nhiều nhất với 37,9%.

         Dự báo sử dụng lao động quý II/2023 so với quý I/2023 khả quan hơn với 86,2% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (16,7% tăng, 69,5% giữ nguyên); 13,8% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.


         2.3. Chi phí sản xuất

         Kết quả khảo sát cho thấy, quý I/2023 có 92,4% doanh nghiệp nhận định tăng và giữ nguyên (34,3% tăng, 58,1% giữ nguyên); 7,6% doanh nghiệp nhận định giảm[6] so với quý IV/2022.

          Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất sản phẩm thuốc lá có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động quý I/2023 so với quý IV/2022 tăng cao nhất với 52,6%. Ngược lại, ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động quý I/2023 so với quý IV/2022 giảm nhiều nhất với 15,3%.

          Dự báo quý II/2023 so với quý I/2022, có 90,5% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (27,0% tăng, 63,5% giữ nguyên), 9,5% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm giảm.

2.4. Công suất sử dụng máy móc, thiết bị

         Trong quý I/2023, công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo là 72,3%[7]. Có 43,8% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng máy móc, thiết bị trong khoảng từ 70% đến dưới 90%; 25,9% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng từ 90% đến 100%; 19,6% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng từ 50% đến dưới 70% và 10,7% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng dưới 50%.

          Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất xe có động cơ đánh giá công suất sử dụng máy móc thiết bị cao nhất với 78,8%. Ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị với 62,3% là ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng máy móc thiết bị thấp nhất.

3. Dự kiến kết quả đầu ra

3.1. Khối lượng sản xuất

Kết quả khảo sát quý I/2023, có 60,6% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên so với quý IV/2022 (24,9% tăng, 35,7% giữ nguyên), 39,4% doanh nghiệp đánh giá giảm[8].

Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất quý I/2023 so với quý IV/2022 tăng cao nhất với 35,8%. Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất giảm nhiều nhất với 55,0%.

Khối lượng sản xuất quý II/2023 so với quý I/2023 khả quan hơn với 80,1% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (43,1% tăng, 37,0% giữ nguyên), 19,9% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.

3.2. Giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý I/2023 so với quý IV/2022 tăng và giữ nguyên là 87,7% (18,1% tăng, 69,6% giữ nguyên), 12,3% doanh nghiệp nhận định giảm[9].

Theo ngành kinh tế, ngành thuốc lá có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý I/2023 so với quý IV/2022 tăng cao nhất với 63,2%. Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm giảm nhiều nhất với 20,4%.

Giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý II/2023 so với quý I/2023, có 90,1% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (19,4% tăng, 70,7% giữ nguyên), 9,9% doanh nghiệp dự báo giảm.

4. Biến động tồn kho

4.1. Tồn kho thành phẩm

Theo kết quả khảo sát, có 21,2% doanh nghiệp nhận định khối lượng thành phẩm tồn kho quý I/2023 tăng so với quý IV/2022; 49,2% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và 29,6% đánh giá giảm[10].


Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định tồn kho thành phẩm quý I/2023 so với quý IV/2022 tăng cao nhất với 32,6%, ngược lại, ngành sản xuất thuốc lá có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định tồn kho thành phẩm quý I/2023 so với quý IV/2022 giảm nhiều nhất với 52,6%.

Dự báo quý II/2023 so với quý I/2023, có 17,3% doanh nghiệp dự báo khối lượng tồn kho thành phẩm tăng; 52,8% doanh nghiệp dự báo giữ nguyên khối lượng tồn kho thành phẩm; 29,9% doanh nghiệp dự báo khối lượng tồn kho thành phẩm giảm.

4.2. Tồn kho nguyên vật liệu

Kết quả khảo sát cho thấy, có 71,2% doanh nghiệp nhận định tồn kho nguyên vật liệu quý I/2023 so với quý IV/2022 tăng và giữ nguyên (19,0% tăng, 52,2% giữ nguyên), 28,8% doanh nghiệp nhận định giảm[11].

Dự báo quý II/2023 so với quý I/2023, có 16,5% doanh nghiệp đánh giá khối lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng, 54,7% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và 28,8% doanh nghiệp dự kiến giảm khối lượng tồn kho nguyên vật liệu.

5. Kiến nghị của doanh nghiệp

         Hoạt động SXKD của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023 được các doanh nghiệp nhận định là khó khăn hơn quý IV/2022. Trong quý I/2023, yếu tố“nhu cầu thị trường trong nước thấp” ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp với 52,4% doanh nghiệp lựa chọn, đây cũng là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến SXKD của doanh nghiệp trong 5 năm gần đây. Bên cạnh đó, yếu tố “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao”“lãi suất vay vốn cao” cũng là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều tới hoạt động SXKD của doanh nghiệp trong quý I/2023 với lần lượt là 47,8% và 37,0% doanh nghiệp lựa chọn.

         Để hỗ trợ hoạt động SXKD của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong các tháng tiếp theo, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo kiến nghị:

         Thứ nhất, kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, đặc biệt đối với các địa phương nên có các chính sách ưu tiên tiêu thụ các sản phẩm trong tỉnh.

         Thứ hai, “lãi suất vay vốn cao” là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn tới nguồn vốn cho hoạt động SXKD của doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị được giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có thể có nguồn vốn SXKD kịp thời và hiệu quả hơn.

         Thứ ba, đối với các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nguyên, nhiên vật liệu là yếu tố cực kỳ quan trọng để SXKD thuận lợi. Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần có các chính sách bình ổn giá nguyên nhiên vật liệu và giá các loại năng lượng ổn định.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

[1] Chỉ số tương ứng của quý IV/2022: 66,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt lên và giữ ổn định (32,6% tốt lên và 33,7% giữ ổn định), 33,7% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.

[2] Chỉ số cân bằng thể hiện số phần trăm doanh nghiệp nhận định tăng trừ đi số phần trăm doanh nghiệp nhận định giảm.

[3] Chỉ số tương ứng của quý IV/2022: 65,1% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên (29,6% tăng; 35,5% giữ nguyên) và 34,9% nhận định giảm.

[4] Chỉ số tương ứng của quý IV/2022: 60,8% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng và giữ nguyên (19,9% tăng; 40,9% giữ nguyên) và 39,2% nhận định giảm.

[5] Chỉ số tương ứng của quý IV/2022: 11,1% doanh nghiệp nhận định sử dụng lao động tăng, 67,6% giữ nguyên và 21,3% nhận định giảm.

[6] Chỉ số tương ứng của quý IV/2022: 91,9% doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (37,7% tăng; 54,2% giữ nguyên) và 8,1% nhận định giảm.

[7] Chỉ số tương ứng của quý IV/2022 là 73,8%.

[8] Chỉ số tương ứng của quý IV/2022: 67,3% doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên (34,3% tăng; 33,0% giữ nguyên) và 32,7% doanh nghiệp nhận định giảm.

[9] Chỉ số tương ứng của quý IV/2022: 87,7% doanh nghiệp nhận định giá bình quân một một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (21,3% tăng; 66,4% giữ nguyên) và 12,3% giảm.

[10] Chỉ số tương ứng của quý IV/2022: 22,3% doanh nghiệp đánh giá tồn kho thành phẩm tăng; 46,4% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên; 31,3% doanh nghiệp đánh giá giảm.

[11] Chỉ số tương ứng của quý IV/2022: 19,6% doanh nghiệp nhận định tồn kho nguyên vật liệu tăng; 49,3% nhận định giữ nguyên; 31,1% nhận định giảm.

By Phổ biến thông tin thống kê

Cảm ơn bạn đã đọc bài

Related Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *