T7. Th7 27th, 2024

Hải Phòng: Thúc đẩy tăng trưởng GRDP: Gỡ “điểm nghẽn”, kiến tạo động lực mới (kỳ 1)

Trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Hải Phòng duy trì tăng trưởng GRDP ở mức hai chữ số. Tuy vậy, kết quả này còn thấp so với chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội và việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14,5% được đánh giá là nhiệm vụ đầy thách thức. Song, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất giữ nguyên các mục tiêu, chỉ tiêu được Nghị quyết Đại hội đề ra, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GRDP. Với quyết tâm chính trị cao nhất, thành phố đang nỗ lực khắc phục khó khăn, kiến tạo động lực tăng trưởng mới để hoàn thành cao nhất mục tiêu này.

Kỳ 1: Vượt khó, giữ đà phát triển

Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố vẫn giữ ổn định tăng trưởng GRDP đạt hai chữ số, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất của cả nước. Kết quả này là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ và hiệu quả của những giải pháp đúng, trúng, kịp thời của thành phố.

Trùng điệp khó khăn

Báo cáo đánh giá kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Đại hội 16 Đảng bộ thành phố của Thành ủy chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc thành phố phải đối mặt khi triển khai thực hiện mục tiêu Nghị quyết đề ra, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GRDP. Đó là tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường; xuất hiện nhiều yếu tố mới, chưa từng có tiền lệ. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài để lại những hệ lụy sâu rộng, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát lan rộng trên toàn cầu. Trước tác động của tình hình thế giới và khó khăn chung của nền kinh tế, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội thành phố đối mặt không ít thách thức; hoạt động sản xuất- kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực trong bối cảnh giá xăng dầu, nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng ở mức cao; nhiều đơn hàng, hợp đồng phải tạm dừng để điều chỉnh và đàm phán lại giá; nhiều doanh nghiệp bị thiếu, nhỡ đơn hàng do nhu cầu giảm tại các thị trường xuất khẩu chính. Áp lực điều hành gia tăng khi vừa phải thực hiện nhiệm vụ thường xuyên với khối lượng công việc lớn, vừa tập trung giải quyết những khó khăn nội tại, các vấn đề tồn đọng, vừa phải ứng phó linh hoạt với những tình huống mới, bất ngờ, phát sinh, khó dự báo.

Phân tích những yếu tố tác động đến tăng trưởng của thành phố giai đoạn 2021-2022, Cục trưởng Cục Thống kê Lê Gia Phong cho rằng, những khó khăn trên tác động lớn đến các ngành sản xuất chủ lực của thành phố. Trong khu vực công nghiệp- xây dựng, do tác động của dịch COVID-19, có thời điểm các nhà máy, phân xưởng thiếu nhân lực sản xuất do áp dụng các biện pháp cách ly, phòng, chống dịch. Khi dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, nỗi lo “thiếu lao động” đã bớt áp lực thì một số doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng bởi chính sách “Zero COVID” từ bên ngoài, chuỗi cung ứng của một số ngành bị đứt gẫy, nguồn cung ứng linh kiện vật tư bị gián đoạn, ảnh hưởng không nhỏ, làm giảm tiến độ sản xuất của doanh nghiệp. Tiếp đó diễn biến xung đột giữa Nga và Ucraine làm gia tăng bất ổn của kinh tế thế giới, đẩy giá xăng dầu tăng cao kỷ lục, kéo theo giá một loạt nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp tăng theo, đã tạo áp lực lớn lên hoạt động sản xuất- kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, kinh tế của Hải Phòng có độ mở lớn, khu vực FDI chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP- riêng lĩnh vực sản xuất công nghiệp doanh nghiệp FDI đóng góp trên 80% giá trị sản xuất toàn ngành và đang có xu hướng ngày càng tăng, nên càng chịu tác động mạnh từ bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực. Bên cạnh khu vực công nghiệpxây dựng, khu vực du lịch cũng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19.

Quyết liệt duy trì tăng trưởng “hai chữ số”

Khó khăn, thách thức bủa vây, song với quyết tâm chính trị cao, sự chủ động và đánh giá đúng tình hình, xác định trúng các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, giai đoạn 2021-2022, thành phố duy trì tăng trưởng GRDP ở mức hai chữ số. Trong đó, GRDP năm 2021 tăng 12,94%; năm 2022 tăng 12,32%. Với mức tăng này so với bình quân chung cả nước, tăng trưởng của Hải Phòng năm 2021 gấp 5 lần, năm 2022 gấp khoảng 1,5 lần và thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước (năm 2021 xếp thứ 1, năm 2022 xếp thứ 8). Đáng chú ý, năm 2022 cũng là năm thứ 8 liên tục thành phố đạt tốc độ tăng trưởng ở mức hai chữ số. Tính chung cả giai đoạn 2021- 2022, kết quả tăng trưởng GRDP tăng bình quân 12,3%.

Để có được kết quả này, bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tế, thành phố chủ động, linh hoạt, kịp thời xây dựng các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh, các giải pháp được thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo là tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch COVID-19; chủ động từ sớm, từ xa trong việc xây dựng các kế hoạch, kịch bản để ứng phó kịp thời, linh hoạt, sáng tạo trong mọi tình huống, giữ vững thành quả chống dịch; thực hiện bằng được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi kinh tế. Theo đó, Hải Phòng chủ động xây dựng các phương án, kịch bản phục hồi, ổn định và phát triển, nhất là với các lĩnh vực bị tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19 bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tương ứng với mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh theo từng ngành, lĩnh vực; tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh từng bước được được kiểm soát.

Sau khi dịch bệnh được khống chế, thành phố tập trung các nhiệm vụ trọng tâm: đổi mới mô hình tăng trưởng, dồn lực phát triển 3 trụ cột kinh tế chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển- logistics, du lịch- thương mại. Đồng thời, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội; quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; tăng năng suất lao động, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động… Cùng với đó, nỗ lực giữ vững vị trí xếp hạng Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hải Phòng trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt; sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, từ đó tạo tác động lan tỏa tới các lĩnh vực trong nền kinh tế; tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn chi…

Kết quả đạt được và các giải pháp quyết liệt, nhanh nhạy, sáng tạo của Hải Phòng được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao; cán bộ, đảng viên, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Kết luận tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Đại hội 16 Đảng bộ thành phố vừa qua, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nêu rõ: Hải Phòng luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của Bộ Chính trị, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương. Đây là yếu tố hết sức quan trọng cùng sự đổi mới, năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân thành phố, đưa Hải Phòng vượt qua nhiều khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Những mục tiêu, định hướng chủ yếu trong Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố đã và đang được thực hiện quyết liệt, mang lại sự đổi thay to lớn cho thành phố Cảng. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để Hải Phòng tiếp tục vươn lên, bứt phá mạnh mẽ, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm khẳng định vững chắc là trung tâm giao thương quốc tế, cực tăng trưởng, động lực phát triển kinh tế – xã hội cho cả nước.

Nguồn: Báo Hải Phòng.

By Phổ biến thông tin thống kê

Cảm ơn bạn đã đọc bài

Related Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *