T7. Th7 27th, 2024

Hải Phòng thực hiện chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025: Phát huy mọi nguồn lực

Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố đề ra về tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 là 1.200 nghìn tỷ đồng, từ 2023 đến 2025, bình quân mỗi năm tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn Hải Phòng phải đạt 290,8 nghìn tỷ đồng. Đây là một trong những nhiệm vụ được đánh giá rất khó khăn. Tuy vậy, thành phố vẫn thống nhất giữ nguyên các mục tiêu, chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất.

Nhiều yếu tố tác động

Theo thống kê, giai đoạn 2021-2022, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố đạt 327,59 nghìn tỷ đồng; 9 tháng năm 2023 đạt 134,05 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tính tổng cả giai đoạn 2021- 2022 và 9 tháng năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố đạt hơn 461,64 nghìn tỷ đồng, mới đạt hơn 38,4% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Cũng từ báo cáo cho thấy, trong 3 nguồn vốn đầu tư gồm: vốn nhà nước, ngoài Nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn ngoài nhà nước (vốn tư nhân và dân cư) – được coi là yếu tố chính thúc đẩy tăng nguồn vốn đầu tư của thành phố giai đoạn 2016-2020 – tăng thấp hơn so với kế hoạch từng năm đề ra, thậm chí năm 2021 khu vực vốn này còn giảm. Theo Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Lê Gia Phong, vốn đầu tư toàn xã hội tính trên khối lượng thực hiện các công trình. Nguyên nhân vốn đầu tư toàn xã hội chưa đạt như kỳ vọng, nhất là vốn đầu tư dân cư và tư nhân giảm là do các chủ thầu xây dựng chậm giải ngân vốn đầu tư. Cụ thể, do khó khăn của dịch COVID19, tác động của xung đột Nga – Ukraina, giá của các loại vật liệu xây dựng tăng đột biến, nhất là giá xăng dầu, sắt, thép… dẫn đến nhiều dự án vượt dự toán so với tổng mức đầu tư được duyệt, phải điều chỉnh theo hướng tăng tổng mức đầu tư hoặc giảm quy mô đầu tư để bảo đảm nguồn lực triển khai; một số gói thầu áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định nên không thể điều chỉnh, các nhà thầu giãn tiến độ hoặc thi công cầm chừng, ảnh hưởng đến kết quả đầu tư. Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm chưa bảo đảm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Nếu tính theo ngành đầu tư, tuy một số ngành chủ đạo đóng góp tỷ trọng lớn vẫn giữ tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ, nhưng cũng có một số ngành tổng đầu tư bị sụt giảm mạnh, nhất là kinh doanh bất động sản.

Riêng 9 tháng năm nay, tổng vốn đầu tư của thành phố có chuyển biến tích cực khi đạt 70,55% kế hoạch năm, 3 khu vực vốn đều tăng. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long cho biết, hiện một trong những yếu tố tác động đến tổng vốn đầu tư xã hội cần giải quyết là dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đang đạt thấp hơn tổng vốn huy động. Điều này cho thấy nguồn vốn lớn đáng kể vẫn nằm ở các tổ chức tín dụng, không lưu thông trong nền kinh tế.

Lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để hoàn thành chỉ tiêu, cần tập trung một số giải pháp. Đó là thúc đẩy các dự án đầu tư công – nguồn “vốn mồi”, dẫn dắt và lan tỏa các nguồn vốn khác. Dù 9 tháng năm nay, giải ngân vốn đầu tư công của thành phố chuyển biến tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2022, song vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng thành phố đề ra. Bên cạnh đó, khơi thông các điểm nghẽn để khơi nguồn vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước. Trong đó tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đôn đốc chủ đầu tư các dự án ngoài ngân sách đẩy nhanh tiến độ thi công như: các bến cảng số 3, 4, 5, 6 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện; tổ hợp trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê để chỉnh trang đô thị tại khu vực chợ Sắt, xây dựng cụm dân cư tại thị trấn Vĩnh Bảo…; giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các Khu công nghiệp VSIP, An Dương, Tiên Thanh; đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các Cụm công nghiệp: Giang Biên, Tiên Cường 2, Đại Thắng… triển khai thực hiện dự án bảo đảm đúng tiến độ… Đẩy mạnh hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, đồng bộ, nhất quán, để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn thực hiện các công trình, dự án lớn…

Nhận diện rõ những khó khăn, thách thức, thành phố xác định các giải pháp để thực hiện cao nhất các chỉ tiêu đề ra, trong đó có tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Thành phố đang tập trung cao chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 25 về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng năm 2023 với mục tiêu giải ngân 100% vốn được giao. Cùng với đó, thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách để bảo đảm nguồn vốn đầu tư của thành phố.

Mặt khác, để tăng nguồn vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước, thành phố xác định tạo môi trường đầu tư kinh doanh thật sự thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Đây là cơ sở thu hút các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, giữ vai trò dẫn dắt, có sức lan tỏa đầu tư vào thành phố. Tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư các đối tác truyền thống, nghiên cứu mở rộng thu hút đầu tư từ các quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển khác; nghiên cứu xây dựng đề án về hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thành phố phát triển, nhất là hỗ trợ kết nối chuyển giao công nghệ; tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI, tạo mối liên hệ hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài…; bám sát thực hiện các nội dung ghi nhớ, ký kết với các tổ chức, đối tác nước ngoài, tranh thủ nguồn lực quốc tế cho phát triển… Các ngành, địa phương đồng đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông, công nghiệp, du lịch trọng điểm, chú trọng các dự án về cảng biển, cảng hàng không, khu, cụm công nghiệp, các dự án du lịch tại Đồ Sơn, Cát Bà, các khu đô thị, nhà ở xã hội, trung tâm thương mại./.

Nguồn: Báo Hải Phòng.

By Phổ biến thông tin thống kê

Cảm ơn bạn đã đọc bài

Related Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *