T7. Th7 27th, 2024

Quy mô và cơ cấu dân số Việt Nam qua kết quả Điều tra biến động dân số năm 2021

Điều tra biến động dân số là cuộc điều tra chọn mẫu được tiến hành hàng năm nhằm thu thập các thông tin về dân số,tình hình biến động dân số (sinh, chết và di cư) cũng như thông tin cơ bản về tình hình sử dụng các biện pháp tránh thai và nạo, phá thai… Những kết quả từ cuộc điều tra biến động dân số năm 2021 đã cho thấy,những nét cơ bản về tình hình dân số Việt Nam vào thời điểm 01/4/2021 với những dấu ấn cơ bản. Dưới đây là một số kết quả chủ yếu về quy mô và cơ cấu dân số Việt Nam qua kết quả của cuộc điều tra này.

Về quy mô dân số: Tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2021 là 98,3 triệu người. Trong đó, dân số nam là 48,7 triệu người, chiếm 49,6%; dân số nữ là 49,5 triệu người, chiếm 50,4%. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin) và thứ 15 trên thế giới.

Tỷ lệ tăng dân số năm 2021 so với năm 2020 là 1,11%, tương đương khoảng 1 triệu người, duy trì mức tăng bình quân trong nhiều năm qua.

Mật độ dân số: Mật độ dân số của Việt Nam là 297 người/km2, tăng 4 người/km2 so với năm 2020. Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Phi-li-pin (365,3 người/km2) và Xin-ga-po (7.908 người/km2).

Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất toàn quốc, tương ứng là 1.084 người/km2 và 795 người/km2. Đây là những vùng bao gồm hai địa phương đông dân nhất cả nước, trong đó Hà Nội thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng với mật độ dân số là 2.483 người/km2 và thành phố Hồ Chí Minh thuộc vùng Đông Nam Bộ với mật độ dân số là 4.497 người/km2. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất, tương ứng là 135 người/km2 và 110 người/km2. Tỉnh Lai Châu có mật độ dân số thấp nhất cả nước với 53 người/km2, tiếp theo là Kon Tum với mật độ dân số là 59 người/km2.

Quy mô hộ: Vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2021, cả nước có gần 27,2 triệu hộ dân cư, 10,5 triệu hộ sinh sống ở khu vực thành thị (chiếm 38,7%) và 16,7 triệu hộ ở khu vực nông thôn (chiếm 61,3%). Quy mô hộ bình quân cả nước là 3,5 người/hộ. Khu vực nông thôn có quy mô bình quân hộ là 3,6 người/hộ, cao hơn khu vực thành thị 0,2 người/hộ.

Trung du và miền núi phía Bắc có số người bình quân một hộ lớn nhất cả nước (3,9 người/hộ); Đông Nam Bộ có số người bình quân một hộ thấp nhất cả nước (3,3 người/hộ).

Quy mô hộ bình quân phổ biến trên cả nước là từ 2 đến 4 người/hộ, chiếm 65,0% tổng số hộ. Tỷ lệ hộ chỉ có một người (hộ độc thân) tăng so với năm 2020 (năm 2020: 10,4%, năm 2021: 11,3%), trong đó tỷ lệ hộ độc thân ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (13,4% so với 9,9%). Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là hai vùng có tỷ lệ hộ độc thân cao nhất, tương ứng là 14,2% và 12,5%.

Tỷ lệ hộ có từ 5 người trở lên có xu hướng giảm (2019: 25,1%, năm 2020: 24,3%, năm 2021: 23,7%). Trong đó, Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ lệ hộ từ 5 người trở lên cao nhất cả nước, tương ứng là 31,3% và 26,0%. Đây là hai vùng tập trung nhiều người dân tộc thiểu số, có tập quán sinh sống theo gia đình nhiều thế hệ và có mức sinh cao nên có nhiều hộ đông người.

Tỷ số giới tính: Đây là chỉ tiêu quan trọng khi xem xét về cấu trúc dân số theo giới tính. Tỷ số giới tính của dân số được tính bằng dân số nam trên 100 dân số nữ. Kết quả Điều tra biến động dân số năm 2021 cho thấy, tỷ số giới tính của dân số Việt Nam là 98,4 nam/100 nữ, trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị là 96,7 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 99,4 nam/100 nữ.

Các phân tích cho thấy, có sự khác biệt đáng kể về tỷ số giới tính giữa các vùng kinh tế – xã hội. Trong đó, Tây Nguyên là vùng có tỷ số giới tính cao nhất cả nước, với 102,0 nam/100 nữ; trong khi đó, Đồng bằng sông Hồng là vùng có tỷ số giới tính thấp nhất, 96,9 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính theo vùng, miền ngoài chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố tự nhiên như sinh, chết, còn chịu ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố di cư.

Về phân bố dân cư

Khu vực thành thị và nông thôn: Theo kết quả Điều tra biến động dân số 2021, dân số thành thị là 36,6 triệu người, chiếm 37,3% tổng dân số cả nước, dân số nông thôn là 61,6 triệu người, chiếm 62,7%. So với Tổng điều tra dân số năm 2019, dân số thành thị của cả nước tăng 3,5 triệu người (36,6 triệu người so với 33,1 triệu người), dân số nông thôn giảm 1,5 triệu người (61,6 triệu người so với 63,1 triệu người). Sự gia tăng dân số thành thị và giảm dân số nông thôn là do có sự sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019 – 2021 theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội. Tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị của nước ta vẫn đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chỉ cao hơn Ti-mo Lét-xtê (31%), Mi-an-ma (29%) và Cam-pu-chia (23%).

Các kết quả cho thấy, có sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ dân số thành thị và nông thôn giữa các vùng kinh tế – xã hội cũng như 63 tỉnh, thành phố. Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ dân số thành thị cao nhất cả nước (66,7%), Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ dân số thành thị thấp nhất (20,3%). Các tỉnh có tỷ lệ dân số thành thị cao nhất gồm Đà Nẵng, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh (tương ứng là 87,4%, 84,6% và 79,1%). Các tỉnh có tỷ lệ dân số thành thị thấp nhất cả nước gồm Bến Tre, Thái Bình, Sơn La, Tuyên Quang (tương ứng là 9,9%, 11,8%, 13,8% và 13,7%). Tại Hà Nội chưa đến một nửa cư dân là dân số thành thị (49,3%).

Vùng kinh tế – xã hội: Dân số Việt Nam phân bố không đồng đều giữa các vùng kinh tế – xã hội, trong đó, Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của cả nước với 23,0 triệu người, chiếm 23,4% tổng dân số cả nước; tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 20,4 triệu người đang sinh sống, chiếm 20,7%. Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với 6,0 triệu người, chiếm 6,1% dân số cả nước. Đông Nam Bộ có tỷ lệ tăng dân số cao nhất cả nước (2,16%), đây là trung tâm kinh tế năng động, thu hút rất nhiều người di cư đến làm ăn, sinh sống và học tập.

Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, quy mô dân số chủ yếu của các tỉnh trên cả nước là từ 1 đến 2 triệu người (37 tỉnh), tiếp đến là nhóm các tỉnh có quy mô dân số nhỏ, dưới 1 triệu người (19 tỉnh), 7 tỉnh có quy mô dân số trên 2 triệu người. Hai thành phố là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có quy mô dân số lớn nhất cả nước (tương ứng là 8,3 triệu người và 9,4 triệu người), trong đó chênh lệch về dân số giữa địa phương đông dân nhất cả nước (thành phố Hồ Chí Minh) và địa phương ít dân số nhất cả nước (tỉnh Bắc Kạn) là gần 30 lần.

Việc phân bố dân cư không đồng đều giữa các địa phương chủ yếu là do điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, tiếp cận việc làm, giáo dục và dịch vụ y tế của một số địa phương có lợi thế hơn hẳn các địa phương khác nên di cư để lựa chọn nơi sinh sống phù hợp hơn là một trong những lý do làm gia tăng chênh lệch về tăng dân số ở một số địa phương. Tình hình này xảy ra ngay cả trong điều kiện những tỉnh có đông dân nhưng tỷ lệ sinh luôn thấp hơn mức sinh thay thế trong nhiều thập kỷ qua.

Về cơ cấu dân số theo nhóm tuổi và giới tính

Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi và giới tính phản ánh bức tranh tổng quát về mức sinh, mức chết, tốc độ tăng dân số của một tập hợp dân số tại một thời điểm xác định và được mô tả bằng tháp dân số.

Tháp dân số Việt Nam, 01/4/2020 và 01/4/2021
QUY MÔ VÀ CƠ CẤU DÂN SỐ VIỆT NAM QUA KẾT QUẢ ĐIỀU TRA BIẾN ĐỘNG DÂN SỐ NĂM 2021
Từ Tháp dân số trên cho thấy, không có sự khác biệt ở phần đáy tháp của năm 2021 so với năm 2020, có nghĩa là mức sinh vẫn duy trì ở mức ổn định. Phần giữa tháp năm 2020, nhóm tuổi 20-24 thu hẹp hơn so với năm 2020 cho thấy tỷ trọng lực lượng thanh niên trẻ của Việt Nam giảm, chủ yếu là do mức sinh thấp của giai đoạn 15-20 năm trước, cộng với tác động của yếu tố tử vong. Các nhóm tuổi từ 25-29 trở lên vẫn mở rộng và không có sự biến động nhiều so với tháp năm 2020, như vậy, Việt Nam vẫn duy trì một lực lượng trong độ tuổi lao động dồi dào, là lợi thế lớn trong việc phát triển kinh tế.

Theo kết quả Điều tra biến động dân số năm 2021, tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 67,6% (giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2020), tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên chiếm lần lượt là 24,1% và 8,3%. Như vậy, Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, khi mà cứ một người phụ thuộc thì có hai người trong độ tuổi lao động.

Tỷ số phụ thuộc: Là chỉ tiêu đánh giá gánh nặng của dân số trong độ tuổi lao động. Chỉ tiêu này phản ánh tác động của mức sinh, mức chết đến cơ cấu tuổi và lực lượng lao động. Tỷ số phụ thuộc chung biểu thị phần trăm của dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên trên 100 người ở nhóm tuổi 15-64. Trong đó, tỷ số phụ thuộc trẻ em biểu thị phần trăm của dân số dưới 15 tuổi trên 100 người ở nhóm tuổi 15-64 và tỷ số phụ thuộc người già biểu thị phần trăm của dân số từ 65 tuổi trở lên trên 100 người ở nhóm tuổi 15-64.

Tỷ số phụ thuộc chung năm 2021 là 47,9%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm 2020 (47,6%), tức là cứ 100 người trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi sẽ hỗ trợ cho khoảng gần 50 người ngoài độ tuổi lao động (bao gồm trẻ em dưới 15 tuổi và người già trên 65 tuổi), tương đương với 2 người trong độ tuổi lao động sẽ hỗ trợ 1 người ngoài độ tuổi lao động.

Chỉ số già hóa được biểu thị bằng tỷ số của dân số từ 60 tuổi trở lên trên 100 người dưới 15 tuổi. Do sự biến đổi về cơ cấu tuổi của dân số theo xu hướng tỷ trọng của trẻ em dưới 15 tuổi giảm, trong khi tỷ trọng người già tăng lên. Điều này đã làm cho Chỉ số già hóa có xu hướng tăng lên nhanh chóng.

Các kết quả từ điều tra biến động dân số năm 2021 cho thấy, năm 2021, chỉ số già hóa đạt 53,1%, tức là cứ 100 trẻ em dưới 15 tuổi thì có khoảng 53 người già từ 60 tuổi trở lên. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi khá cao (chiếm 67,6% tổng dân số cả nước). Tuy nhiên, xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng. Tỷ trọng nhóm dân số trẻ từ 0-14 tuổi liên tục giảm từ 24,5% năm năm 2009 xuống 24,3% năm 2019 và 24,1% năm 2021; trong khi nhóm dân số già từ 65 tuổi trở lên liên tục tăng từ 6,4% năm 2009, lên 7,7% năm 2019 và 8,3% năm 2021./.

Nguồn: Tạp chí Con số sự kiện (Tổng cục Thống kê)

By Phổ biến thông tin thống kê

Cảm ơn bạn đã đọc bài

Related Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *