T7. Th7 27th, 2024

Trong vài năm trở lại đây, ngành Thống kê đã và đang nỗ lực chuyển mình, đổi mới, hoàn thiện để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, phù hợp hơn với quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững của Đất nước, trở thành một trong những lá cờ đầu trong các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư với nhiều thành tựu nổi bật trên mọi lĩnh vực công tác.

Thành tựu đầu tiên phải kể tới đó quá trình đổi mới, nỗ lực đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, củng cố vững chắc môi trường pháp lý cho hoạt động Thống kê đồng bộ ở các Bộ, ngành, địa phương với nhiều thành tựu đã đạt được như: xây dựng Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và đã dược Quốc Hội thông qua ngày 12/11/2021, Nghị định số 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg về Chương trình điều tra thống kê quốc gia (thay thế Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg) và Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg về Hệ thống chỉ tiêu cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (thay thế Quyết định số 54/2016/QĐ-TTg).

Bên cạnh đó, sau 03 năm triển khai thực hiện theo Quyết định số 10/2020-QĐ-TTg ngày 18/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, ngành Thống kê cũng đã và đang nỗ lực hoàn thiện mô hình tổ chức ngành với dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều 3 Quyết định số 10/2020 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đang được Bộ Tư pháp thẩm định cùng đề xuất thành lập Thanh tra Tổng cục Thống kê.

Ngành Thống kê đã và đang nỗ lực, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2014/QĐ-TTg ngày 01/12/2021 và các đề án lớn của Ngành như: Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, Đề án ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong Hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn 2017 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030…

 Quá trình chuyển đổi số, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động thống kê đã được ngành Thống kê đặc biệt quan tâm, thay đổi phương pháp làm việc truyền thống, thủ công trong công tác điều hành, quản lý, sản xuất thông tin thống kê sang sử dụng, ứng dụng triệt để tiện ích từ CNTT. Trong đó, tiêu biểu như: loại bỏ dần việc sử dụng văn bản giấy sang văn bản điện tử, ký số/phát hành văn bản số điện tử trên hệ thống quản lý văn bản; triển khai thực hiện phần mềm quản lý hồ sơ công việc; đổi mới Phương án các cuộc điều tra, Tổng điều tra theo hướng tăng cường ứng dụng CNTT và sử dụng thiết bị công nghệ không dây vào quá trình thu thập (thay thế phiếu giấy bằng phiếu điện tử (CAPI, Webfrom); biên soạn các chỉ tiêu thống kê và dự báo (ngắn hạn – dài hạn); phát triển các phần mềm xử lý, tổng hợp, phân tích kết quả các cuộc điều tra. Bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) metadata để sử dụng chung với một số dữ liệu về các bảng danh mục, ngân hàng câu hỏi điều tra, các bảng mã câu trả lời cho câu hỏi đóng đối với một số lĩnh vực thống kê.

Sự thay đổi đó đã tạo nên sự chuyển biến lớn trong toàn Ngành, giúp nâng cao năng suất, chất lượng thông tin thống kê đáp ứng, phục vụ kịp thời và hiệu quả trong công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành của Đảng và Nhà nước với nhiều kết quả rất đáng khích lệ.

Đặc biệt, ngành Thống kê rất quan tâm, chú trọng đến yếu tố con người, coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là hạt nhân, là yếu tố quyết định để thực hiện thành công các mục tiêu giúp ngành Thống kê ngày càng phát triển bền vững với nhiều đổi mới và đột phá. Với nhiều lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo CNTT đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực cả trong và ngoài nước.

Tất cả những bước chuyển mình, đổi mới toàn diện, trọng điểm, có chiều sâu của ngành Thống kê ngày càng khẳng định sự phát triển bền vững, nâng cao uy tín và vị thế của Ngành. Giúp cho ngành Thống kê Việt Nam ngày càng hội nhập sâu – rộng và phát triển bền vững, phù hợp hơn với thời kỳ bùng nổ của công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp toàn cầu./.

Tác giả: Nguyễn Văn Hiến.
Thống kê viên, Chi cục Thống kê khu vực Điện Biên Phủ – Mường Ảng, Cục Thống kê tỉnh Điện Biên.

By Phổ biến thông tin thống kê

Cảm ơn bạn đã đọc bài

Related Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *