T7. Th7 27th, 2024

Cảm ơn Bố – người Thầy đầu tiên, người đã đưa con đến với “Thống kê”

“Có một nghề, chẳng mấy được kể tên
Rồi nhiều khi vụt qua trong suy nghĩ
Nhưng từng ngày, không có đâu thể thiếu
Vạn vật quanh đây, đều phải đổi thay
Có một nghề chẳng thể thấy tận tay
Hay cho người mùa xuân là lộc biếc
Ngày qua ngày, vẫn lặng thầm bước tiếp
Góp nhặt cho đời, đợi những niềm tin”.
Trong mỗi chúng ta việc sinh ra, lớn lên, đi làm là những ngày tháng mà chúng ta phải trải qua đầy đủ những cung bậc cảm xúc có vui, có buồn, có kỉ niệm. Riêng với tôi, việc sinh ra, lớn lên được là đồng nghiệp, là con của một người làm “Thống kê” đó là cả một bầu trời kí ức đẹp.
Nhớ ngày bé, hình ảnh người bố đi làm với chiếc cặp đen sờn có khóa cài đã in đậm trong tâm trí tôi. Lúc ấy, tôi chỉ nhớ cứ mỗi lần kể với các bạn về bố mình tôi đã luôn miệng khoe bố tớ làm ở phòng Thống kê trên huyện. Nhưng trong cái đầu non nớt ấy, chỉ biết bố là một cán bộ, mà chưa hiểu gì về 2 từ “Thống kê”.
Rồi lớn hơn chút nữa, thi thoảng được bố cho đi cùng đến cơ quan, được gặp các bác, các cô, các chú làm cùng bố. Lúc ấy sao thấy mình “thật sướng thế”. Rồi lại có những câu chuyện để khoe với các bạn “tớ được lên cơ quan bố tớ đấy” đầy thú vị. Nghĩ lại sao lúc đó mình nhìn thế giới xung quanh to lớn đến vậy.
Rồi đến quãng thời gian cuối cấp 3. Năm ấy, gia đình tôi gặp một vài biến cố. Bố tôi phát bệnh, sức khỏe suy giảm nghiêm trọng. Khi đứng trước giai đoạn phải lựa chọn trường đại học, cao đẳng mà mình yêu thích, thì tôi đã chọn theo nguyện vọng của gia đình và trong đó có có nguyện vọng của Bố tôi là trường “Cao đẳng Thống kê”.
Ba năm học tại trường Cao đẳng Thống kê, đó là quãng thời gian biến động lớn trong cuộc đời tôi. Vừa phải làm quen với một môi trường mới, tự lập với mọi thứ xung quanh, Có lúc nản lòng với những môn học mình không thích. Trong giai đoạn chới với nhất thì có một người Thầy đã nói với tôi rằng: “Những việc em đã làm tốt rồi, em hãy cứ phát huy như thế. Nhưng những việc em còn hạn chế, hãy dốc hết lòng để cố gắng, chỉ như thế em mới toàn diện được thôi”. Chính nhờ có câu nói đó mà tôi đã nỗ lực hơn với những điều mà tôi cho rằng không phù hợp với tôi ở ngôi trường này.
Rồi cuối cùng thì cũng đến ngày tôi ra trường, và đi làm…
Những ngày tháng đi làm đầu tiên của tôi bắt đầu là một điều tra viên hợp đồng tại phòng Thống kê Tân Lạc. Và ở đây, người Thầy đầu tiên mà tôi gặp chính là “Bố tôi”.
Trong quãng thời gian làm việc tại đây, tôi đã được học từ những điều nhỏ nhất. Từ việc gửi một phong thư, cách dán tem, cách soạn một văn bản cơ bản, cách đóng dấu một văn bản, cách tiếp cận một hộ điều tra, cách quan sát mọi thứ xung quanh, cách ước lượng, đo đếm đầy lạ lẫm và thú vị.
Rồi đến khi trở thành một công chức trong ngành Thống kê, và có duyên với Thống kê Dân số đến nay. Tôi không được ở gần “người thầy đầu tiên” này nữa, thay vào đó là một môi trường mới, với những đồng nghiệp mới…
Ở môi trường mới này, đôi khi tôi chỉ được trao đổi, học hỏi “người thầy đầu tiên” của tôi với những phần nghiệp vụ, những khúc mắc, những điều còn mơ hồ qua những cuộc gọi điện ngắn ngủi.
Mười ba năm theo ngành “Thống kê” đã cho tôi biết bao kinh nghiệm trong cuộc sống. Từ lúc còn ngượng ngùng, bỡ ngỡ đỏ mặt với những câu hỏi phỏng vấn hộ đến khi có thể khai thác câu trả lời đầy đủ nhất của chủ hộ. Từ lúc còn mơ hồ về năng suất, sản lượng, hay thu nhập bình quân hộ đến khi nhớ lại những ngày nhập tin phiếu điều tra “khảo sát mức sống 2 lần” chỉ còn là kỉ niệm. Hay cả những công việc mã nghề trước đây ta chỉ dùng đến “mã 92” thì giờ đã phải sàng lọc sang mã đầu “6”, từ những ước lượng, chi tiết, tính toán, quan sát đó, mỗi một ngày cứ thế trôi qua tôi đã dần yêu “Thống kê” từ lúc nào không biết. Gom góp lại những điều tôi đã có được của môi trường “Thống kê” này, bản thân tôi đã thấy mình thật “tự tin” hơn với thế giới xung quanh. Tôi đã từng thấy rằng Thống kê là một nghề gì đó rất mơ hồ:
“Có một nghề, chẳng mấy được kể tên
Rồi nhiều khi vụt qua trong suy nghĩ
Nhưng từng ngày, không có đâu thể thiếu
Vạn vật quanh đây, đều phải đổi thay
Có một nghề chẳng thể thấy tận tay
Hay cho người mùa xuân là lộc biếc
Ngày qua ngày, vẫn lặng thầm bước tiếp
Góp nhặt cho đời, đợi những niềm tin”.
Nhưng Thống kê lại là một nghề “không có đâu thể thiếu”. Chắc chắn một Đất nước muốn tốt đẹp hơn thì phải cần phải có những “con số biết nói” và hạnh phúc đơn giản nhất đôi khi lại bắt nguồn từ việc được gặp những người dân.
Nếu chúng ta được tiếp xúc với những người dân, được trao đổi, được quan sát và có thể có được kết quả cao nhất mang lại giá trị cốt lõi trong công việc thì dù bất kì khó khăn nào, thì đây cũng là một hạnh phúc. Và tôi cũng tin rằng những những nỗ lực, thời gian, thanh xuân của mình giành cho “Thống kê” đến một ngày nào đó sẽ được trao tặng bằng một niềm tin xứng đáng.
Cách đây vài tháng, khi được tham gia điều tra biến động dân số 01/4/2023 với vai trò là giám sát viên cùng các anh, chị Chi cục Thống kê khu vực Hòa Bình – Đà Bắc, tôi được đến xã Mường Chiềng, Đà Bắc (một trong những xã đi lại khó khăn với 90km, trong một địa bàn có những hộ nằm rải rác cách nhau cả một con sông). Khi được đến và trải nghiệm thực tế với các đồng nghiệp của mình về những con người nơi đây, tôi cũng đã thấy rõ những hạn chế và khó khăn của những cán bộ phụ trách công tác thống kê cấp xã, trình độ hiểu biết của những người dân, và khó khăn thực tế mà những người quản lý phải trải qua.
Mong cho thêm mỗi ngày, ngành Thống kê của chúng ta sẽ vững mạnh, phát triển hơn, được quan tâm nhiều hơn. Tình yêu và nhiệt huyết của những người làm công tác thống kê sẽ luôn đong đầy bao cảm xúc với những con số.
Tháng 6, là một tháng để nhìn lại nửa năm công tác của tất cả chúng ta. Tháng 6, cũng là tháng mà tôi chênh vênh cảm xúc để nhìn lại những kỉ niệm, cơ hội cho tôi nghĩ về những ngày tháng thống kê bắt đầu. Tháng 6, cũng là tháng tôi chia tay “người Thầy đầu tiên, người đồng nghiệp” của tôi về hưu. Ba mươi tám năm, người Thầy đầu tiên này đã cống hiến, làm việc hết mình với những ngày tháng công tác theo ngành “Thống kê”.
Cảm ơn Bố – người Thầy đầu tiên, người đã đưa con đến với “Thống kê”.
Tác giả: Phan Ngọc Hà.
Phòng Thống kê Xã hội, Cục Thống kê Hòa Bình.
#phobienthongtinthongke #theodaunghethongke

By Phổ biến thông tin thống kê

Cảm ơn bạn đã đọc bài

Related Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *