T7. Th7 27th, 2024
Đến với Thống kê thật tình cờ!
Năm cuối cấp 3, thời điểm đó những học sinh cuối cấp sinh ra và lớn lên cùng cây Lúa như chúng tôi không có được điều kiện tốt như thế hệ trẻ ngày nay, rất thiếu thốn thông tin đa chiều để tham khảo, để lựa chọn cho bản thân một nghề nghiệp yêu thích, lựa chọn cho bản thân một trường Đại học tốt để trang bị kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp để bước vào đời.
Vì thế, thế hệ cùng một lớp với tôi thời cấp 3, chỉ đến khi bước chân vào cổng trường Đại học, lên thành phố mới được tiếp cận Internet, đến Thư viện tìm hiểu về ngành mình đang theo học. Từ đó mới bắt đầu hình dung ra được một phần nào đó về lựa chọn ngành/nghề, nghề mà mình theo học khira trường ta sẽ làm cụ thể công việc gì, rồi mường tượng ra mấy chục năm cuộc đời sẽ gắn bó với nghề đó. Nếu nghề đómà không có sức hút, không có đam mê, tình yêu nghề thì có gắn bó được hay không?
Hệ quả dẫn tới là nhóm của tôi, 6 người thì đến 5 người “nhảy trường” – “chọn lại”, đứa đang học Xây Dựng thì nhảy sang Kinh tế, đứa đang học Kiến Trúc thì nhảy sang Bách Khoa, đứa đang học Sư Phạm thì nhảy sang Thương Mại. Còn tôi nhảy từ Nông nghiệp sang Bách Khoa, từ chuyên ngành “Nông học” nhảy sang “Tự động hóa” nhưng khi còn đang hăm hở chờ giấy báo điểm – nhập học, chưa kịp làm thủ tục nhập học Bách Khoa thì tôi đã được đứa bạn học ở Bách Khoa đưa lên “rà soát Thư viện” gần 01 tháng, tư vấn tâm lý, gặp các đàn anh học đúng chuyên ngành đó ra trường, đã đi làm – đưa đi trải nghiệm thực tế của 01 kỹ sư Tự Động Hóa, tôi nhận ra mình không có tình yêu, đam mê với máy móc, thiết bị điện tử – tự động, hơn hết nó cũng không phù hợp với mình về lâu dài.
Thế là tôi rơi tự do vào chênh vênh, quyết định bỏ không học Bách Khoa, rơi tự do luôn vì không biết mình yêu nghề gì, chọn ngành gì để gắn bó với tình yêu nghề nghiệp thật sự. Được tư vấn của người thân, tôi dànhhẳn 01 năm ra Hải Phòng sống cùng người thân để “xê dịch” và trải nghiệm thực tế đời sống xã hội bên ngoài, rồi cũng thật tình cờ, từ tư vấn của người thân đã và đang công tác trong nghề, tôi đến với ngành Thống kê từ đó.
Ngày đầu tiên nhập trường, ngay sau khi hoàn thành các thủ tục nhập học, nơi tôi hỏi đường để đến đầu tiên không phải là Căng tin, Sân bóng hay Rạp chiếu phim mà là Thư Viện, quyển sách đầu tiên tôi chọn đọc khi đó là Giáo Trình Lý thuyết thống kê, tôi đọc ngấu nghiến quên giờ giấc, chỉ đến khi cô văn thư của Thư viện nhắc tôi nghỉ để cô còn đóng cửa (hết giờ buổi sáng) thì tôi mới biết. Rời thư viện với ánh mắt đầy sinh lực, tôi tự tin mình đã chọn đúng được ngành nghề để yêu, để đam mê, để thực hiện lý tưởng, hoài bão của tuổi trẻ.
Điểm xuất phát cho tình yêu nghề.
Những ngày đầu tiên chập chững vào nghề, sau 04 ngày đầu tiên đến nhận việc, làm quen với đồng nghiệp, môi trường sống, ổn định chỗ ăn – ngủ – sinh hoạt và nghiên cứu tài liệu cơ quan và phương án điều tra các cuộc điều tra thống kê.
Tôi được phân công tham gia cuộc điều tra Khảo sát Mức sống dân cư. Là một chàng trai trẻ từ đồng bằng lên miền núi, mọi thứ với tôi thật xa lạ, kiến thức thống kê với tôi lúc đó chỉ là một mớ lý thuyết – kiến thực thực tế rất hạn chế.
6h30 sáng, tôi xuất phát cùng một anh đồng nghiệp, trên chiếc xe WAVES 110. Cuộc điều tra Thống kê đầu tiên tôi tham gia bắt đầu bằng việc di chuyển trên con đường đất nhão, trèo đèo dốc và lội suối. Chuyến đi đầu tiên vào một trong những địa bàn khó di chuyển nhất đặc biệt là vào thời điểm mùa mưa (với đặc thù miền núi thường mưa nặng hạt, mưa kéo dài liên tục hàng tuần, thậm chí kéo dài gần cả tháng chỉ có mưa). Tháng 7 mưa nặng hạt, đường đầy bùn lầy nhão, 02 anh em tôi trên 1 chiếc xe cà tàng, thay nhau lái, đất nhão bám chặt bánh xe, chèn chặt tấm chắn bắn bánh, cứ đi được tầm 3 km lại dừng bẻ cành cây ven đường “gỡ bùn” để di chuyển tiếp, chỉ có gần 40 km đường dân sinh bản + 02 lần lội suối (phi xe qua suối mùa nước lớn – nước ngập tới đầu gối, ngồi sau tay lái anh đồng nghiệp mà vừa run vừa sướng,nhưng thú thực lúc đó run nhiều hơn là sướng vì lúc đó tôi chưa biết bơi) mà đánh vật di chuyển mất gần 04 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được địa bàn điều tra.
Điểm bản đầu tiên mà tôi đặt chân đến thật lạ lẫm trong mắt chàng thanh niên trẻ từ đồng bằng lên núi, tôi đưa mắt tìm kiếm, khám phá điều mới lạ và bắt gặp những ánh mắt hồn nhiên, ngây thơ của lũ trẻ trong bản nhưng không có nổi 1 manh áo, chỉ mặc độc 1 cái quần mỏng và bẩn, rách tùm lum + đôi chân trần. Bọn trẻ đưa mắt dò xét nhìn người lạ, còn tôi thì vừa ngạc nhiên vừa chạnh lòng khi thấy được cuộc sống thiếu thốn của bọn trẻ.
Sau khi gặp Trưởng bản, chúng tôi được Trưởng bản dẫn đường + kiêm phiên dịch dẫn đến nhà hộ dân, đó là hộ dân đầu tiên mà tôi thực hiện phỏng vấn Điều tra thống kê, tiếp xúc trực tiếp hộ dân ở bản nơi đây, do hộ không biết tiếng Kinh, cuộc phỏng vấn thu thập thông tin bị kéo dài hơn tôi nghĩ (do Trưởng bản phải phiên dịch), tôi thường xuyên nhận được câu trả lời “Chi Pâu”, nhiều câu hỏi khi Trưởng bản thực hiện phiên dịch cũng tự nói “Chi Pâu”, tôi nắc nẻ cười – tỏ vẻ khó hiểu, anh đồng nghiệp nhắc tôi đọc lại câu hỏi cho Trường bản phiên dịch lại cho hộ dân, đến khi về cơ quan nói chuyện tôi mới biết Chi Pâu tức là Không biết. Tức là họ chưa hiểu ý câu hỏi của mình nên phải hỏi lại lần nữa để họ biết và trả lời thật Khách quan.
Lần đầu đi địa bàn, buổi chiều, khi đang phỏng vấn hộ thì thấy trời kéo mây đen (ý định ban đầu của anh đồng nghiệp là ngủ lại ở bản). Anh đồng nghiệp gợi ý bảo tôi trải nghiệm ngủ lại qua đêm ở địa bàn điều tra, nhưng tôi chưa quen với phong tục tập quán và nếp sống sinh hoạt nơi đây, vì thế tôi đề nghị cả 2 anh em di chuyển về. Anh Đồng nghiệp đồng ý. Lúc đó trời đã nhá nhem tối, 02 anh em tôi lóc cóc ra về, đi được nửa đường thì trời đổ mưa như trút, chúng tôi đánh vật với cơn mưa, gió rất to, đường thì trơn trượt, chụp ếch vài lần, nhưng không hiểu sao lúc đó tinh thần rất vui, chúng tôi lái xe hát nghêu ngao (anh đồng nghiệp bảo hát cho quên mệt), gần 21h tôi mới ra tới thị trấn, ướt như chuột, cả 2 lựa chọn vào 1 quán ven đường, làm bát phở lòng nóng ăn lót dạ rồi về.
Đó là trải nghiệm lần đầu tham gia điều tra thống kê với tư cách là điều tra viên thống kê. Rồi sau đó, rất nhiều trải nghiệm tham gia các cuộc điều tra thống kê, hoạt động thu thập thông tin thống kê, đem lại cho tôi niềm vui, sự phấn khởi, yêu thích đi thực địa tại địa bàn (có lẽ do tôi là người ưa xê dịch, thích đi để trải nghiệm, đi để hiểu biết nhiều hơn).
Hơn nữa tôi là dân chuyên Toán, yêu thích môn toán. Rất yêu thích việc tổng hợp, viết báo cáo phân tích con số thống kê. Dần dần tôi yêu nghề thống kê lúc nào không hay, qua năm tháng gắn bó với nghề, với ngành tôi càng yêu nghề, yêu Ngành hơn; nhiệt huyết hơn, đam mê hơn, nỗ lực nhiều hơn để cống hiến, góp phần xây dựng ngành Thống kê Việt Nam.
Lời cuối, tôi xin chân thành cảm ơn đội ngũ Admin Group FB Phổ biến Thông tin Thống kê nhân dịp Chào mừng Ngày Thống kê Việt Nam (6/5) và kỷ niệm 77 năm thành lập ngành Thống kê Việt Nam (06/5/1946 – 06/5/2023) đã phát động cuộc thi viết “Theo Dấu nghề Thống kê”. Theo đó người dự thi viết bài về những hiểu biết, quan điểm của mình về ngành Thống kê, về những câu chuyện, kỷ niệm của những người làm công tác thống kê khi tham gia các hoạt động thống kê do ngành Thống kê tổ chức thực hiện.
Giúp cho tôi có điều kiện được thể hiện tình yêu ngành, yêu nghề, kế thừa và tiếp nối truyền thống vẻ vang của Ngành, nỗ lực dốc sức cống hiến, góp phần xây dựng Ngành ngày càng phát triển, hiện đại, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Tác giả: Nguyễn Văn Hiến.
Thống kê viên, Chi cục Thống kê khu vực Điện Biên Phủ – Mường Ảng, Cục Thống kê tỉnh Điện Biên.
 
#phobienthongtinthongke #Theodaunghethongke

By Phổ biến thông tin thống kê

Cảm ơn bạn đã đọc bài

Related Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *