T7. Th7 27th, 2024

Bức tranh kinh tế – xã hội Thủ đô năm 2022 – Những điểm sáng

Với việc thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành, sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền Thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và sự đồng lòng của toàn thể Nhân dân Thủ đô, kinh tế – xã hội năm 2022 của Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo tiền đề cho những năm phát triển tiếp theo.

Tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, thu ngân sách xác lập kỷ lục mới

Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội tăng 8,89% so với năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm gần đây. Mức tăng này cao hơn so với bình quân chung của cả nước (ước tăng 8%) và cao hơn so với mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu tăng 7,0 – 7,5%). Trong đó: Khu vực dịch vụ tăng 8,89%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,74%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,35%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt kết quả tích cực, cao nhất từ trước đến nay với 333 nghìn tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% năm 2021. Trong đó, thu nội địa 304,3 nghìn tỷ đồng, đạt 105,4% và tăng 1,6%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 24,9 nghìn tỷ đồng, đạt 113,8% và tăng 10,4%.
Quy mô GRDP năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 1.196 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 2 cả nước. GRDP bình quân đầu người cao hơn nhiều tỉnh, thành phố khác đạt 141,8 triệu đồng, tăng 10,6% so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,08% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 24,04%; khu vực dịch vụ chiếm 63,22%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,66% (Cơ cấu GRDP năm 2021 tương ứng là: 2,27%; 24,31%; 62,46% và 10,96%).

Thương mại, dịch vụ và du lịch phục hồi mạnh mẽ

Trong năm 2022, Hà Nội đã chủ động tích cực thực hiện tốt việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhờ đó các hoạt động thương mại và dịch vụ phục hồi và phát triển mạnh mẽ, cụ thể:
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 697,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 452,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,8% tổng mức và tăng 17,4% so với năm trước; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 80,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 80,4%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 14 nghìn tỷ đồng, chiếm 2% và gấp 4,1 lần cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác đạt 150,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,6% và tăng 21,6%.

Vận tải hàng hóa tiếp tục tăng nhanh, đáp ứng yêu cầu vận chuyển và lưu thông hàng hóa, doanh thu năm 2022 tăng 44,4%. Vận tải hành khách phục hồi sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh với doanh thu cả năm tăng 37%. Tính chung doanh thu năm 2022 ngành vận tải và bưu chính chuyển phát tăng 30,7%.

Ngay từ những tháng đầu năm 2022, Hà Nội cho phép mở cửa trở lại các điểm du lịch, di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, theo đó, thành phố tích cực tổ chức nhiều hoạt động Lễ hội, văn hóa, giải trí, tăng cường quảng bá nhằm kích cầu du lịch góp phần thúc đẩy du lịch Thủ đô khởi sắc, phục hồi sau đại dịch. Có thể nói, năm 2022 là năm thành công của du lịch Hà Nội. Thành phố Hà Nội được công nhận là “Điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu châu Á” và “Điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu Thế giới” do Tổ chức Du lịch thế giới đề cử và bình chọn. Theo số liệu thống kê, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội cả năm ước đạt 2,6 triệu lượt người, gấp 2,4 lần năm 2021. Trong đó: Khách quốc tế đạt 1.197 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần cùng kỳ năm trước; khách nội địa đạt 1.389 nghìn lượt người, tăng 51,1%. Năm 2022 cũng ghi nhận nỗ lực vượt bậc của hoạt động xuất, nhập khẩu trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, xung đột tại Ukraine kéo dài và lạm phát cao ở nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm ước tính đạt trên 58 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,3%; nhập khẩu hàng hóa đạt 40,9 tỷ USD, tăng 16,9%.

Sản xuất công nghiệp, xây dựng tiếp tục đà phục hồi tăng trưởng tích cực

Sản xuất công nghiệp trong năm duy trì đà phục hồi tăng trưởng tích cực, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 8,03%, đóng góp 1,14 điểm % vào mức tăng chung toàn nền kinh tế, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò quan trọng với mức tăng 8,11%, đóng góp 1,04 điểm % nhờ các doanh nghiệp sản suất đã nối lại chuỗi cung ứng bị gián đoạn sau 2 năm chịu ảnh hưởng dịch Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm tăng 8,8%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 8,9%. Một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP đạt mức tăng cao so với năm trước như: Sản xuất đồ uống tăng 18,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 18,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 16,5%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,4%; sản xuất trang phục tăng 11,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 11,1%; sản xuất phương tiện vận tải tăng 10,7%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học tăng 10,5%

Hoạt động xây dựng, cùng với công tác tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tại các doanh nghiệp và hộ dân cư trên địa bàn, việc cải tạo, xây mới nhà xưởng, công trình để ở cũng được khẩn trương thực hiện. Tính chung cả năm 2022 giá trị tăng thêm ngành xây dựng tăng 7,26% so với năm 2021 (năm 2021 tăng 1,37%).

Thực hiện và thu hút đầu tư tăng mạnh

Ngay từ đầu năm, Thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và thu hút các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển.

Vốn đầu phát triển trên địa bàn Thành phố năm 2022, đạt 467,9 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm 2021, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây1, trong đó: Vốn Nhà nước 149,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% (vốn Nhà nước Trung ương 91,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9%; vốn Nhà nước địa phương quản lý 58,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6%); vốn ngoài nhà nước đạt 287,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 30,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9%.

Thu hút đầu trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2022 cũng đạt những kết quả khả quan, toàn Thành phố thu hút 1.692 triệu USD vốn FDI, tăng 10,3% so với năm 2021. Trong đó, đăng ký cấp mới 365 dự án với số vốn đạt 233 triệu USD; có 202 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 834 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 388 lượt với số vốn đạt 625 triệu USD, tăng 83,8%.

Đăng ký doanh nghiệp năm 2022, thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 29,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 23% so với năm 2021 với tổng số vốn đăng ký mới đạt 328,4 nghìn tỷ đồng; có 9,8 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 1,5%.

An sinh xã hội bảo đảm; giáo dục, y tế được quan tâm chú trọng

Năm 2022, dân số Hà Nội tăng 1,3% so với năm trước; 72,2% lực lượng lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, tăng 1,1%. Thị trường lao động việc làm ghi nhận sự phục hồi tích cực sau 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh, số lao động tìm được việc làm trong năm tăng 13%; tỉ lệ thất nghiệp khu vực Thành thị thấp hơn 0,79% so với năm 2021. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội trong năm cũng được Thành phố và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Các chính sách xã hội được chi trả kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Thành phố thực hiện tốt công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/ NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 15/NQ-HĐND của Thường trực HĐND Thành phố với trên 2,9 triệu lượt đối tượng được thụ hưởng với kinh phí gần 3 nghìn tỷ đồng. Thực hiện Quyết định 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đã tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ hỗ trợ cho 417 nghìn lượt lao động của gần 14 nghìn doanh nghiệp với số tiền 219 tỷ đồng. Thành phố đã giải quyết hơn 23,5 nghìn hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công và thân nhân người có công với cách mạng với số tiền 85,5 tỷ đồng.

Đến nay, Thành phố đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp 12 tháng năm 2022 cho trên 82 nghìn người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 1.805 tỷ đồng, chi trả trợ cấp một lần là 150 tỷ đồng, chi điều dưỡng người có công 73,2 tỷ đồng. Trên địa bàn Thành phố hiện có 202,4 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và 2,8 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội đang được nuôi dưỡng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội của Thành phố.

Chất lượng giáo dục, đào tạo Hà Nội trong năm 2022 tiếp tục được giữ vững, hoàn thành kế hoạch đề ra. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, vừa ứng phó với tình hình phức tạp của dịch bệnh, vừa thực hiện các nhiệm vụ lớn của ngành. Song Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã tích cực, chủ động, linh hoạt thực hiện kế hoạch năm học, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục, hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới. Năm 2022, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp toàn Thành phố đạt 99,1%; khẳng định vị trí đứng đầu trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và các kỳ thi khác.

Đến nay, dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội cơ bản được kiểm soát tốt. Bằng các giải pháp cụ thể, Thành phố đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ phù hợp với mỗi địa phương, mỗi lĩnh vực trong điều kiện bình thường mới, đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ tiêm vắc xin phòng dịch trên địa bàn. Nhờ đó, Thành phố kiểm soát tốt dịch Covid-19, tỷ lệ số ca mắc mới, số ca phải nhập viện điều trị và số ca tử vong giảm mạnh so với đầu năm. Công tác tiêm chủng được Thành phố quan tâm chú trọng, độ bao phủ tiêm phòng vắc xin rộng; các dịch bệnh khác trên địa bàn được kiểm soát.

Hoạt động thể thao với nhiều sự kiện nổi bật trong năm, Thành phố tổ chức thành công SEA Games 31 tạo ấn tượng đẹp với bạn bè trong nước và quốc tế; thể thao Hà Nội góp phần quan trọng vào thành tích chung của Thể thao Việt Nam với vị trí Nhất toàn đoàn tại SEA Games 31 và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Kết quả thi đấu của thể thao thành tích cao Hà Nội đạt được trong năm 2022 với 3.071 huy chương, trong đó: 2.692 huy chương tại các giải đấu trong nước (987 huy chương Vàng, 810 huy chương Bạc, 895 huy chương Đồng) và 379 huy chương tại các giải đấu quốc tế (145 huy chương Vàng, 112 huy chương Bạc, 122 huy chương Đồng).

Khái quát lại, năm 2022 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến kinh tế – xã hội cả nước và thành phố Hà Nội, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô, kinh tế – xã hội Thành phố đã phục hồi tăng trưởng tích cực và đạt được kết quả quan trọng ở nhiều ngành, lĩnh vực: GRDP ước tính tăng 8,89% (vượt kế hoạch 7,0 – 7,5%); thu ngân sách Nhà nước tăng 6,8% so với dự toán. Khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa đảm bảo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao; chỉ số giá tiêu (CPI) được kiểm soát. Sản xuất công nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, không xảy ra dịch bệnh lớn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trên địa bàn. Các hoạt động du lịch, văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao diễn ra sôi động; thị trường lao động việc làm, an sinh xã hội được đảm bảo và cải thiện./.

Trần Phương Thảo

Phó trưởng phòng Thống kê Tổng hợp – Cục Thống kê TP. Hà Nội
Tạp chí Con số và Sự kiện/Tổng cục Thống kê

By Phổ biến thông tin thống kê

Cảm ơn bạn đã đọc bài

Related Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *