T7. Th7 27th, 2024

Năm 2022, kinh tế thế giới đang trong thời kỳ nhiều biến động, những thay đổi về kinh tế, địa chính trị và sinh thái đều tác động đến triển vọng toàn cầu. Lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Kinh tế trong nước năm 2022 hồi phục mạnh mẽ sau hai năm chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, tuy phải đối mặt với những thách thức trong nước cũng như môi trường kinh tế toàn cầu bất lợi nhưng tình hình kinh tế – xã hội năm 2022 tiếp tục ổn định và khởi sắc trên tất cả các lĩnh vực; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng; sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh; thương mại, dịch vụ sôi động ở tất cả các ngành; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện. Các hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động được triển khai tích cực, hiệu quả…

Nhìn lại bức tranh kinh tế – xã hội thành phố Hải Phòng năm 2022 tiếp tục ổn định và phát triển. Dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại bình thường. Vậy cụ thể chúng ta đạt được kết quả như thế nào và trên đà tăng trưởng đó thì kinh tế Hải Phòng được nhận định sẽ có những triển vọng ra sao trong năm mới 2023.

Phóng viên Lâm Phương, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng có cuộc trao đổi với ông Lê Gia Phong, Cục trưởng Cục Thống kê TP Hải Phòng để hiểu rõ hơn về phát triển kinh tế – xã hội thành phố trong năm 2022 vừa qua.

Video Triển vọng kinh tế Hải Phòng 2023 được phát vào ngày mùng Một Tết Quý Mão

PV Lâm Phương: Thưa ông, 2022 là năm vô cùng khó khăn, tuy nhiên chúng ta vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số. Ông đánh giá như thế nào về kết quả cũng như hành trình 1 năm phát triển kinh tế xã hội của thành phố?

Ông Lê Gia Phong: Năm 2022, thành phố Hải Phòng thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội trong bối cảnh những bất ổn trên thế giới về tình hình kinh tế, chính trị và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong các tháng đầu năm.

Ngay sau Tết Nguyên đán dịch bệnh bùng phát mạnh trên địa bàn đã gây ra nhiều khó khăn đối với ngành công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn thành phố, có thời điểm một số DN thiếu lao động sản xuất cùng với giá xăng dầu tăng kéo theo chi phí về sản xuất cũng tăng cao là một trong những nguyên nhân làm cho chỉ số SXCN quý I/2022 chỉ tăng 9,76% so cùng kỳ, đây là mức tăng thấp trong 5 năm gần đây.

Sang quý 2, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, các hoạt động đi lại, lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn đã tạo điều kiện thuận lợi khôi phục, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới, giá hàng hóa, nguyên vật liệu tăng cao khiến kinh tế Hải Phòng chịu ảnh hưởng không nhỏ: một số chỉ tiêu chủ yếu đạt thấp, chưa bám sát kế hoạch năm như:

Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm năm 2022 ước tăng 11,10% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 13,52% của 6 tháng năm 2021;

Chỉ số SXCN 6 tháng ước tăng 11,84% so cũng kỳ, chưa đạt được như kỳ vọng đặt ra, trong đó có một số ngành công nghiệp trọng điểm giảm hoặc tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ;

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội có sự chững lại, ước 6 tháng thực hiện mới đạt 37% kế hoạch năm.

Bước sang quý III/2022 và những tháng cuối năm, kinh tế thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, GRDP quý 3/2022 ước tính tăng khá cao, tăng 13,47% so cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 11,1% của 6 tháng đầu năm do dịch bệnh được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất CN đạt tăng trưởng khá, quý 3 tăng tới 16,1% (quý 1 chỉ tăng dưới 10%; quý 2 tăng 10,5%).

Bên cạnh đó Thành phố cũng luôn quan tâm nắm bắt tình hình, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu. (UBND Thành phố đã tổ chức 02 hội nghị Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp).

Các doanh nghiệp từng bước khắc phục khó khăn, nối lại chuỗi cung ứng, tìm kiếm thị trường để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu.

Đáng chú ý, khu vực dịch vụ cũng tăng trưởng mạnh mẽ, vượt kế hoạch đề ra khi nhiều ngành dịch vụ hoạt động kinh doanh trở lại sau một thời gian bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, Thành phố chủ động chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp nhằm kích cầu, phục hồi và phát triển du lịch và các ngành dịch vụ sau đại dịch, nhờ đó du lịch Hải Phòng đã bật dậy và phục hồi mạnh mẽ. trong 9 tháng, lượng khách du lịch tới Cát Bà và Hải Phòng đã vượt mức kỳ vọng cả năm.

Kết thúc năm 2022 kinh tế thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,32% so với cùng kỳ. Với kết quả này tăng trưởng kinh tế của thành phố cao gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước (GDP cả nước tăng 8,02%), cao thứ 8 cả nước và cao thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là năm thứ 7 liên tục từ năm 2015 đến nay Thành phố tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số….

Năm 2022 cùng với việc duy trì được đà tăng trưởng thì kinh tế thành phố Hải Phòng tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỷ trọng giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp – xây dựng, dịch vụ từ 90,2% năm 2021 lên 90,7% năm 2022, giảm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 3,9% năm 2021 xuống 3,6% năm 2022.

Về quy mô kinh tế Hải Phòng năm 2022 (GRDP theo giá hiện hành) đạt trên 365 nghìn tỷ đồng. Tuy vẫn duy trì vị trí đứng thứ 6 cả nước sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu nhưng khoảng cách về quy mô kinh tế đã thu hẹp lại so với 5 tỉnh thành phố này.

Nhìn lại chặng đường cả năm 2022 với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng thành phố Hải Phòng chúng ta có thể tự hào vì đã nỗ lực vượt qua, giữ được sự ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực. Đây cũng là cơ sở vững chắc, tạo nền tảng cho thành phố trong thực hiện mục tiêu kế hoạch tăng trưởng năm 2023.

PV Lâm Phương: Vậy theo ông, đâu là những điểm nhấn trong bức tranh toàn cảnh nền kinh tế?

Ông Lê Gia Phong: Năm 2022, thành phố Hải Phòng bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương, Thành phố đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, kinh tế Thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là sự phục hồi hoạt động du lịch kéo theo nhiều ngành nghề liên quan tăng trưởng cao.

– Trong bức tranh toàn cảnh nền kinh tế thành phố năm 2022, khu vực dịch vụ vẫn là điểm nhấn nổi bật nhất

 Năm 2022 là năm khởi sắc của khu vực dịch vụ trên địa bàn thành phố khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, cuộc sống, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân doanh nghiệp đã trở lại bình thường. Dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, các chương trình kết nối cung cầu, khuyến mãi tiêu dùng được đẩy mạnh, Thành phố chủ động chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp nhằm kích cầu du lịch, tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch và hình ảnh thành phố, tận dụng triệt để cơ hội mở cửa lại du lịch để thu hút khách du lịch, triển khai nhiều gói khuyến mãi kích thích tiêu dùng, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi, giải trí nhằm quảng bá về hình ảnh con người Hải Phòng; xu hướng ăn uống bên ngoài sau đại dịch Covid-19 phát triển đã kéo theo sự gia tăng và phục hồi ngành kinh doanh ăn uống nhà hàng, quán ăn.

Ước tính giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2022 tăng 9,06% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch đề ra tăng 5,15%), cao hơn mức tăng 5,13% của năm 2021, đóng góp 3,32 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong khu vực dịch vụ tăng trưởng ấn tượng nhất là các nhóm ngành:

(1) Hoạt động của các đại lý du lịch, KD tua du lịch và các DV hỗ trợ tăng hơn 3,36 lần so năm 2021;

(2) Dịch vụ lưu trú tăng 41,65%;

(3) Hoạt động dịch vụ khác tăng 27,42%.

Năm 2022 cũng ghi dấu ấn là năm đầu tiên thành phố thu ngân sách đạt trên 100 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 4 cả nước sau Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đây cũng là một trong những điểm nhấn quan trọng trong bức tranh kinh tế thành phố năm 2022.

Trong đó, thu ngân sách nội địa của TP. Hải Phòng đạt trên 38.300 tỷ đồng, bằng 120,9% dự toán Trung ương giao, tăng 4,7% so thực hiện năm 2021; thu xuất nhập khẩu đạt trên 68.300 tỷ đồng, vượt 12.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu được giao.

Năm 2022, cơ cấu thu NSNN tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực, tỷ trọng thu nội địa tiếp tục tăng lên trong cấu trúc ngân sách và chiếm tỷ trọng 36% tổng thu NSNN (giai đoạn 2016-2020 chiếm tỷ trọng bình quân 30%).

Tổng thu NSNN trên địa bàn những năm gần đây đều  đạt và vượt chỉ tiêu được giao đã bổ sung nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế của thành phố, phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, nâng cao đời sống nhân dân.

PV Lâm Phương: Vâng, hành trình 1 năm vượt khó, ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ trong quý 4 để về đích với những kết quả ấn tượng. Vậy xin ông cho biết đâu là những yếu tố để tạo nên sự bứt phá ngoạn mục đó? Và còn những lĩnh vực nào chúng ta cần phải tăng tốc trong thời gian tới?

Ông Lê Gia Phong: 9 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng kinh tế Hải Phòng đạt 12,06%, tuy nhiên, kết thúc năm, tăng trưởng GRDP của Hải Phòng đã đạt 12,32%. Với mức tăng này tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng cao gấp trên 1,5 lần bình quân chung cả nước (cả nước +8,02%), và thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế.

Đạt được kết quả này là sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp của lãnh đạo Thành phố, sự nỗ lực của các cấp, các ngành cùng với  sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

– Trong lĩnh vực sản xuất, nhân tố đã tạo sự bứt phá mạnh mẽ cho tăng trưởng GRDP trong quý 4 là ngành công nghiệp chế biến chế tạo với mức tăng trưởng là 17,62% (cao hơn mức tăng 16,13% của 9 tháng đầu năm), đóng góp 8 điểm % trong mức tăng chung.

Trong đó, vào thời điểm cuối năm một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã có sự bứt phá như: ngành SX SP điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học: chỉ số SXCN ngành này đạt tốc độ tăng cao trong quý IV, tăng 27,02% so với quý III, với sự có sự đóng góp của các DN thuộc tập đoàn LG và công ty TNHH Pegatron Việt Nam mới đi vào hoạt động năm 2021; Một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng tốt như sản xuất đồ điện dân dụng tăng 27,7% với sản xuất tủ lạnh của công ty LG Electronics bắt đầu sản xuất từ tháng 7/2022; sản xuất lốp ô tô tăng 21%; sản xuất ô tô tăng 22,1%; sản xuất xe máy điện tăng 50%…

* Bên cạnh một số ngành công nghiệp chế biến tăng trưởng cao, khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19, nhiều ngành dịch vụ hoạt động trở lại đạt tăng trưởng như thời điểm trước dịch là yếu tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Giá trị tăng thêm của một số ngành TMDV có tỷ trọng lớn đạt tăng trưởng cao hơn so với tốc độ 9 tháng như: ngành bán buôn, bán lẻ tăng 9,05%, vận tải đường bộ tăng 12,5%; vận tải hàng không tăng gấp gần 3 lần; dich vụ lưu trú tăng 41,6%; hoạt động tài chính tăng 10,6%……những ngành này đã tiếp đà tích cực cho tăng trưởng kinh tế cả năm của thành phố năm 2022.

Năm 2022 khép lại với những thành quả và con số khá tích cực, tình hình kinh tế – xã hội thành phố Hải Phòng tiếp tục ổn định và phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu chưa bám sát kế hoạch năm, tạo áp lực cho các năm tiếp theo và mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 đã đề ra. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực trong bối cảnh giá xăng dầu, nguyên vật liệu, chi phí vận tải ở mức cao, giải ngân đầu tư công chưa đạt yêu cầu đề ra, thu ngân sách nội địa chưa đạt dự toán HĐND giao..

Vì vậy, để đạt được kết quả cao nhất ở năm “bản lề” 2023, những lĩnh vực chúng ta cần phải tăng tốc trong thời gian tới, đó là:

Thứ nhất, năm 2022 tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chiếm gần 49% trong GRDP thành phố, lớn nhất trong 4 khu vực, như vậy ngành công nghiệp tiếp tục đóng vai trò là động lực chủ lực trong tăng trưởng kinh tế thành phố.

Do vậy, thời gian tới cần tập trung cao trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu; đẩy mạnh thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp; giải quyết các khó khăn vướng mắc, nhất là khâu giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch sẵn sàng cho thu hút đầu tư của thành phố, cung cấp lực lượng lao động có tay nghề và nhà ở xã hội/nhà ở công nhân…

Thứ hai,  năm 2022 khu vực dịch vụ với tỷ trọng đóng góp trên 37% trong GRDP thành phố, tăng 9,06% so cùng kỳ, đóng góp 3,32 điểm % vào mức tăng chung. Tuy vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 5,15%) và cao hơn nhiều mức tăng các năm 2020, 2021 là 6,51% và 5,13% nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của những năm trước dịch: (năm 2018 tăng 10,33% và năm 2019 tăng 11,57%). Thành phố cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo những lĩnh vực là thế mạnh, ưu thế cạnh tranh chiến lược của thành phố là cảng biển, logistics và du lịch.

Thứ ba, Như chúng ta đã biết để duy trì động lực phục hồi, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, thì thúc đẩy đầu tư công là một trong những trụ cột chính, từ đó tạo tác động lan tỏa tới các ngành, nghề lĩnh vực liên quan hồi phục và phát triển. Đối với thành phố Hải Phòng, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa kép, tức là vừa kích thích chi tiêu đầu tư công trong ngắn hạn để đẩy mạnh tăng trưởng, vừa có ý nghĩa tạo ra các kết cấu hạ tầng phục vụ hiệu quả, lâu dài cho nền kinh tế.

Để duy trì động lực phục hồi, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023, thành phố  cần tập trung chỉ đạo giải ngân mạnh vốn đầu tư công. Có giải pháp mạnh mẽ, khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023. Tập trung nguồn lực triển khai hoàn thành và khởi công các dự án trọng điểm  năm 2023. Triển khai quyết liệt giải ngân vốn các Dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố; Kiên quyết xử lý đối với các dự án không triển khai, chậm triển khai, không thực hiện đúng chủ trương của thành phố và các quy định hiện hành.

Các cấp ngành, đơn vị liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách thành phố theo dự toán năm 2023, cân đối kịp thời các nguồn vốn theo kế hoạch đầu tư công năm 2023 để giải ngân cho các dự án.

PV Lâm Phương: Với những kết quả của một năm nỗ lực rất lớn, và trên đà tăng trưởng như vậy thì chúng ta có thể nhận định như thế nào về triển vọng phát triển kinh tế của thành phố và mục tiêu tăng trưởng trong năm mới 2023 thưa ông? Những cơ hội và thách thức chúng ta cần nhận diện trong thời gian tới là gì?

Ông Lê Gia Phong: Năm 2022, mặc dù thành phố đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, xuất hiện nhiều tình huống mới, bất ngờ phát sinh, khó dự báo, nhưng với sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực cao của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân, kinh tế xã hội thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội tiếp tục được tăng cường, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại thành phố là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố trong thời gian tới.

Dự báo năm 2023, tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, sự phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro của kinh tế thế giới như tình trạng thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, chống tự do thương mại ở một số nơi, lạm phát tiếp tục tăng cao và trở thành vấn đề lớn tại nhiều quốc gia;

dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn và chứa ẩn nhiều rủi ro; kinh tế trong nước đối mặt với nhiều thách thức, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực; bên cạnh đó dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh đến đời sống, sức khỏe người dân.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của 188 DN trên địa bàn thành phố thuộc ngành công nghiệp CBCT đánh giá về tình hình sản xuất Q1/2023 so với Q4/2022 cho thấy: có 65.8% DN đánh giá giữ ổn định và tốt lên; 34,2% số doanh nghiệp cho rằng khó khăn hơn. Chỉ số cân bằng về tình hình sản xuất kinh doanh Q1/2023 so với Q4/2022 là (-10,87%) điều này cho thấy tình hình trong Quý I/2023 cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.

Cùng với độ mở kinh tế lớn, trước những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới trong khi chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp so với tiềm năng, lợi thế; cơ sở hạ tầng còn hạn chế so với yêu cầu phát triển; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút lao động có kỹ năng gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số vẫn chưa tạo được chuyển biến rõ rệt…, mục tiêu kế hoạch tăng trưởng năm 2023 kinh tế thành phố ước đạt 12,7-13% sẽ là thách thức không nhỏ đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

PV Lâm Phương: Vâng, cảm ơn ông Lê Gia Phong, Cục truongr Cục Thống kê Hải Phòng đã tham gia cuộc trao đổi với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng.

By Phổ biến thông tin thống kê

Cảm ơn bạn đã đọc bài

Related Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *