T7. Th7 27th, 2024

BÀI 2: KẾT CẤU NỘI DUNG VÀ ĐỀ CƯƠNG BIÊN SOẠN PHẦN LỜI VĂN TRONG BÁO CÁO THỐNG KÊ PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH KINH TẾ-XÃ HỘI

Đặt vấn đề

Báo cáo phân tích thống kê bao gồm nhiều loại: Báo cáo phân tích tình hình kinh tế – xã hội; báo cáo phân tích kết quả các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê; báo cáo phân tích chuyên đề và các báo cáo phân tích thống kê khác. Kỹ năng biên soạn mỗi loại báo cáo có sự khác biệt nhất định. Đối với những người làm công tác thống kê chúng ta, Báo cáo thống kê phân tích tình hình kinh tế – xã hội tiến hành thường xuyên nhất và báo cáo này cũng được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài quan tâm sử dụng nên dưới đây giới thiệu kỹ năng biên soạn báo cáo này, tập trung vào kỹ năng xây dựng kết cấu nội dung phần lời văn phân tích của báo cáo với 4 phần như sau: (1) Bối cảnh, đặc điểm tình hình và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong kỳ; (2) Tình hình kinh tế; (3) Các vấn đề xã hội và môi trường; (4) Kết luận và kiến nghị.

I. Bối cảnh, đặc điểm tình hình và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong kỳ

a) Bối cảnh và đặc điểm tình hình trong nước

Đây là mục mở đầu của Báo cáo thống kê phân tích tình hình kinh tế – xã hội sẽ tiến hành. Sở dĩ cần phải có mục này vì bất cứ hiện tượng và quá trình kinh tế – xã hội nào bao giờ cũng diễn ra trong điều kiện thời gian, không gian cụ thể. Do vậy, chỉ khi nắm vững và làm rõ được các điều kiện đó, hoàn cảnh đó, môi trường đó thì việc đánh giá, phân tích mới có tính thuyết phục và khách quan. Trong mục này cần khái quát bức tranh chung về tình hình kinh tế – xã hội kỳ báo cáo. Tình hình thì có nhiều, nhưng chỉ chọn lọc những vấn đề lớn, tác động trực tiếp đến động thái và thực trạng kinh tế – xã hội trong kỳ, bao gồm:

(1) Những nhân tố thuận lợi, tạo tiền đề thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội.

(2) Những yếu tố bất lợi, đã, đang hoặc có thể sẽ tác động tiêu cực diễn biến tình hình kinh tế – xã hội trong kỳ.

b) Bối cảnh và đặc điểm tình hình quốc tế

Trong môi trường toàn cầu hoá hiện nay, biên giới quốc gia hầu như chỉ có ý nghĩa về mặt hành chính, người ta có thể tìm thấy các yếu tố đầu vào và bán sản phẩm đầu ra ở tất cả các thị trường khu vực và thế giới. Theo đó, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng và sự cạnh tranh cũng trở nên quyết liệt. Do vậy, tình hình chính trị, kinh tế thế giới cũng sẽ tác động lớn đến kết quả phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia hoặc mỗi địa bàn, địa phương của một quốc gia. Thực tế này đòi hỏi phải đánh giá một cách khách quan môi trường quốc tế trước và trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội phản ánh trong báo cáo xét cả mặt thuận lợi cũng như những hạn chế, khó khăn chi phối kết quả các chỉ tiêu kinh tế – xã hội trong kỳ. Tuy nhiên, đối với các Báo cáo thống kê phân tích tình hình kinh tế – xã hội ngắn hạn, đặc biệt là Báo cáo tháng, quý thì mục này chỉ đề cập một khi xét thấy thật cần thiết.

c) Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong kỳ

Sau khi khái quát bức tranh chung về bối cảnh và đặc điểm tình hình chính trị, xã hội và các vấn đề khác ở trong nước và quốc tế với những nội dung như đã đề cập ở phần trên, cần giới thiệu tóm tắt phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong kỳ, đặc biệt là phương hướng, nhiệm vụ lượng hoá bằng chỉ tiêu thống kê. Đây chính là cơ sở để so sánh, đối chiếu, đánh giá, phân tích kết quả đạt được trong các mục tiếp theo. Trong trường hợp giữa kỳ có điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, chỉ tiêu nào thì cũng phải nêu trong phần này để sử dụng khi đánh giá kết quả thực hiện.

II. Tình hình kinh tế

2.1. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp

Việc đánh giá tình hình kinh tế bằng các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp sẽ giúp ta có một cái nhìn tổng quan về động thái, thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế – xã hội trong kỳ. Đây là phần khó vì đòi hỏi tính khái quát, tính tổng hợp cao. Chỉ tiêu kinh tế tổng hợp thường rất đa dạng, nhưng chỉ chọn lọc trong hệ thống số liệu những chỉ tiêu có tính khái quát cao để đưa vào phần lời văn phân tích này. Việc chọn lựa chỉ tiêu nào phải dựa vào nhiều căn cứ, trong đó có hai căn cứ quan trọng, đó là: (i) Căn cứ vào mục đích, yêu cầu của Báo cáo; (ii) Căn cứ vào nguồn thông tin thống kê thu thập, xử lý và tổng hợp được. Dưới đây sẽ đề cập một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp thường được sử dụng trong mục đánh giá, phân tích này:

(1) Đánh giá tăng trưởng kinh tế trong kỳ bằng chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo giá so sánh, bao gồm tốc độ tăng trưởng chung và tốc độ tăng của: (i) ba khu vực kinh tế (Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ); (ii) của các thành phần kinh tế và hình thức sở hữu (Kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài Nhà nước, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài); (iii) của vùng, miền, địa phương hoặc một số vùng, miền, địa phương có quy mô kinh tế lớn. Ngoài ra, còn có thể đánh giá bằng chỉ tiêu tổng thu nhập quốc gia (GNI), GDP xanh.

Các tốc độ tăng GDP và GNI, GDP xanh nêu trên có thể biểu hiện chung cho cả kỳ, nếu là Báo cáo của kỳ ngắn (quý, 6 tháng, 9 tháng hoặc năm) hoặc biểu hiện bằng số bình quân, nếu Báo cáo đánh giá một thời kỳ bao gồm nhiều kỳ, nhiều năm (5 năm, 10 năm…). Để làm rõ hơn mức độ tăng trưởng kinh tế đạt được, cần so sánh các tốc độ tăng GDP, GNI, GDP xanh trong kỳ với mục tiêu, kế hoạch đề ra, với kỳ trước, cùng kỳ kỳ trước hoặc nền kinh tế, địa bàn khác. Ngoài ra, phải đi sâu phân tích mức đóng góp của các khu vực kinh tế; thành phần kinh tế và hình thức sở hữu; vùng, miền và địa phương; tiêu dùng trong nước và xuất khẩu vào sự tăng trưởng kinh tế trong kỳ.

(2) Đánh giá chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong kỳ bằng các chỉ tiêu phản ánh cơ cấu tổng sản phẩm trong nước theo giá hiện hành, bao gồm cơ cấu khu vực kinh tế, cơ cấu thành phần kinh tế và hình thức sở hữu, cơ cấu vùng, miền và địa phương. Ngoài việc so sánh với cơ cấu kỳ trước hoặc cơ cấu cùng kỳ kỳ trước, thực trạng cơ cấu kinh tế trong kỳ còn phải so với cơ cấu mục tiêu, kế hoạch và các cơ cấu kinh tế tiên tiến khác nhằm đánh giá sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong kỳ là tốt, xấu, tích cực hay tiêu cực.

(3) Đánh giá hoạt động tài chính, tiền tệ, tín dụng, ngân hàng bằng các chỉ tiêu chủ yếu như sau:

– Các chỉ tiêu phản ánh hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trong kỳ, bao gồm: Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán (M2); tỷ lệ tổng phương tiện thanh toán so với GDP; lãi suất tiền gửi và cho vay; tỷ giá hối đoái bình quân trên thị trường liên ngân hàng; số dư huy động vốn của các tổ chức tín dụng; tốc độ tăng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng; tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng; tổng giá trị vốn hoá thị trường chứng khoán; tỷ lệ vốn hoá thị trường chứng khoán so với GDP; tổng thu phí bảo hiểm; tỷ lệ tổng thu phí bảo hiểm so với GDP; tổng chi trả bảo hiểm và các chỉ tiêu khác. Các chỉ tiêu đưa ra phải được lượng hoá bằng số liệu cụ thể; đồng thời phải đánh giá tác động của các hoạt động này đối với tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế cũng như đối với từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể.

– Tỷ lệ lạm phát nói chung và tỷ lệ lạm phát cơ bản trong kỳ. Phân tích nguyên nhân của tình trạng lạm phát hoặc giảm phát và tác động của tình trạng này tới nền kinh tế và đời sống dân cư.

– Thu chi và cơ cấu thu chi ngân sách Nhà nước; tỷ lệ tổng thu ngân sách Nhà nước so với GDP; cân đối thu chi ngân sách Nhà nước; tỷ lệ bội thu hoặc bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP; nguồn bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước trong trường hợp ngân sách Nhà nước bội chi. Trong quá trình đánh giá, cần đi sâu phân tích nguyên nhân và tác động của kết quả thu, chi ngân sách Nhà nước đối với tình hình kinh tế – xã hội trong kỳ.

(4) Đánh giá hiệu quả kinh tế bằng các chỉ tiêu: (i) Năng suất lao động   của xã hội (tính theo tổng sản phẩm trong nước) trong kỳ, so sánh với mục tiêu, kế hoạch đề ra và với các kỳ trước cũng như với các nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới; (ii) tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp và tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của các nhân tố; tỷ trọng chi phí  trung gian chiếm trong tổng giá trị sản xuất và các chỉ tiêu khác.

(5) Đánh giá các cân đối chủ yếu của nền kinh tế, bao gồm: Cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng; cân đối giữa tích luỹ và tiêu dùng; cân đối cán cân thanh toán quốc tế; nợ của Chính phủ và tỷ lệ nợ của Chính phủ so với GDP; nợ nước ngoài của quốc gia và tỷ lệ nợ nước ngoài của các quốc gia so với GDP. Trong các báo cáo thống kê kinh tế – xã hội dài hạn có thể sử dụng thêm các tài khoản trong hệ thống tài khoản quốc gia để phân tích sâu hơn các mối quan hệ, các cân đối chủ yếu trong nền kinh tế.

(6) Đánh giá quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế bằng các chỉ tiêu chủ yếu sau:

– Các chỉ tiêu phản ánh quy mô của nền kinh tế, bao gồm: Tổng sản phẩm trong nước và tổng thu nhập quốc gia tính bằng ngoại tệ theo tỷ giá hối đoái thực tế và theo sức mua tương đương; tổng sản phẩm trong nước, tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người bằng nội tệ, bằng ngoại tệ theo tỷ giá hối đoái thực tế và theo sức mua tương đương. Trên cơ sở số liệu, có thể đánh giá thứ hạng của nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

– Các chỉ số phản ánh sức cạnh tranh của nền kinh tế, bao gồm: Hệ số tín nhiệm về tài chính, ngân hàng; chỉ số tự do kinh tế; chỉ số năng lực cạnh tranh doanh nghiệp; chỉ số năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hoá, dịch vụ; chỉ số cạnh tranh toàn cầu; chỉ số xếp hạng toàn cầu hoá; chỉ số niềm tin kinh doanh; chỉ số nhà quản trị mua hàng; chỉ số thịnh vượng quốc gia và các chỉ số khác. Đối với báo cáo thống kê kinh tế – xã hội cấp tỉnh, cấp huyện chỉ nên lựa chọn một số chỉ tiêu phù hợp trong số các chỉ tiêu đánh giá quy mô và sức cạnh tranh nêu trên; đồng thời có thể bổ sung một số chỉ số khác như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng, công bố hàng năm và các chỉ số phản ánh sức cạnh tranh kinh tế cấp tỉnh khác.

Tất cả các chỉ số cạnh tranh này sử dụng trong Báo cáo có thể thu thập thông tin để tính toán, nhưng cũng có thể sử dụng các kết quả đã được các tổ chức quốc tế, các quốc gia tính toán và công bố. Tuy nhiên, khi sử dụng các số liệu công bố của các tổ chức quốc tế và nước ngoài cần phải thẩm định lại, bảo đảm tính khách quan, phản ánh đúng động thái, thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong kỳ quan sát.

2.2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Đánh giá chung

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là khu vực kinh tế quan trọng của nền kinh tế nước ta, bao gồm các ngành: (i) Nông nghiệp; (ii) Lâm nghiệp; (iii) Thuỷ sản. Do vậy, trước khi đi vào đánh giá động thái, thực trạng và xu hướng phát triển của từng ngành riêng biệt, cần phải đánh giá khái quát chung về một số vấn đề sau đây:

(1) Đánh giá thuận lợi và khó khăn của sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong kỳ, đặc biệt là yếu tố khí hậu, thời tiết. Nước ta nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, vừa có những yếu tố thuận lợi, nhưng đồng thời cũng có những yếu tố tác động tiêu cực đến vật nuôi, cây trồng như dịch bệnh, bão lũ. Ngoài ra, có thể đánh giá thêm các nguồn lực đầu vào quan trọng như đất đai, lao động, vốn, khoa học kỹ thuật và các yếu tố khác sử dụng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong kỳ.

(2) Đánh giá tốc độ phát triển chung sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong kỳ bằng chỉ tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất theo giá so sánh, bao gồm tốc độ tăng chung của cả ba ngành và tốc độ tăng riêng của từng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản.

(3) Phân tích xu hướng chuyển dịch cơ cấu giữa ba ngành (nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản) theo giá hiện hành. Phân tích sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ đạo trong kỳ và tác động của sự chuyển dịch này tới kết quả sản xuất chung của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.

b) Sản xuất nông nghiệp

(1) Đánh giá các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp trong kỳ bằng các chỉ tiêu: Diện tích đất nông nghiệp; số cơ sở sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp; số công trình thuỷ lợi và năng lực tưới tiêu; giống cây trồng, vật nuôi và phương pháp mới đưa vào nông nghiệp; số lượng và chất lượng lao động trong nông nghiệp; các chính sách mới đối với nông nghiệp và các yếu tố đầu vào khác.

(2) Phân tích tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp theo giá so sánh và cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp theo giá hiện hành của ba hoạt động hợp thành, bao gồm: (i) Trồng trọt, (ii) Chăn nuôi, (iii) Dịch vụ nông nghiệp.

(3) Đánh giá kết quả sản xuất lương thực bằng các chỉ tiêu: Tổng diện tích gieo trồng và sản lượng lương thực nói chung và diện tích, năng suất, sản lượng lúa, ngô và cây lương thực khác trong kỳ theo mùa vụ và các vùng, các địa phương trọng điểm. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả sản xuất lương thực trong kỳ và những vấn đề thời sự đang được quan tâm như chuyển đổi mùa vụ, gieo trồng giống mới, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và các vấn đề khác.

(4) Đánh giá kết quả sản xuất cây chất bột lấy củ, cây công nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả, rau, đậu và các loại cây trồng khác cả về diện tích gieo trồng, năng suất, sản lượng. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả từng loại cây trồng này, đặc biệt là các loại cây trồng chủ lực, các vùng chuyên canh lớn.

(5) Đánh giá kết quả chăn nuôi gia súc, gia cầm và các vật nuôi khác theo đầu con, trọng lượng xuất chuồng, sản phẩm không qua giết mổ. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng, đặc biệt là giống, quy mô chăn nuôi, tình hình dịch bệnh, tình hình tiêu thụ sản phẩm.

(6) Đánh giá hiệu quả sản xuất nông nghiệp bằng các chỉ tiêu: Tỷ trọng chi phí trung gian chiếm trong giá trị sản xuất nông nghiệp; giá trị sản phẩm bình quân một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp; hệ số sử dụng đất canh tác; sản lượng nông sản hao hụt sau thu hoạch; tỷ suất nông sản hàng hoá và các chỉ tiêu phản ánh tình hình tiêu thụ, tồn kho nông sản hàng hoá trong kỳ; năng suất lao động trong nông nghiệp; đời sống của nông dân, kinh tế nông thôn và các chỉ tiêu khác.

(7) Ngoài các chỉ tiêu nêu trên, trong các Báo cáo thống kê phân tích tình hình kinh tế – xã hội hằng năm hoặc 5 năm, 10 năm… cần tính toán, phân tích thêm các chỉ tiêu bình quân đầu người và lập các bảng cân đối một số sản phẩm nông nghiệp chủ yếu. Trên cơ sở đó, phân tích, đối chiếu, so sánh tổng sản lượng, sản lượng bình quân đầu người và chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm này với địa phương khác hoặc quốc gia khác, góp phần làm rõ thêm vị trí sản xuất nông nghiệp của địa phương hoặc của cả nước trên bản đồ sản xuất nông nghiệp của quốc gia hoặc của khu vực và thế giới.

c) Sản xuất lâm nghiệp

(1) Đánh giá các yếu tố đầu vào của sản xuất lâm nghiệp bằng các chỉ tiêu: Diện tích đất lâm nghiệp; số cơ sở sản xuất lâm nghiệp (Hộ, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp); số lượng và chất lượng lao động lâm nghiệp; các chính sách mới đối với lâm nghiệp và các yếu tố đầu vào khác.

(2) Đánh giá kết quả phát triển rừng bằng các chỉ tiêu: Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp theo giá so sánh và cơ cấu giá trị sản xuất lâm nghiệp theo giá hiện hành của các hoạt động: (i) Trồng và nuôi rừng; (ii) Khai thác lâm sản; (iii) Dịch vụ lâm nghiệp; diện tích trồng rừng mới tập trung; diện tích rừng khoanh nuôi, tái sinh; diện tích rừng và đất rừng giao khoán cho các hộ dân cư; số lượng cây trồng phân tán; diện tích rừng bị thiệt hại do thiên tai, bị cháy, bị chặt phá trái phép và các nguyên nhân khác.

(3) Đánh giá kết quả các sản phẩm lâm nghiệp khai thác trong kỳ, bao gồm gỗ và sản phẩm không phải gỗ; sản lượng một số lâm sản chủ yếu bình quân đầu người. Phân tích các nguyên nhân tăng giảm về số lượng và chất lượng lâm sản trong kỳ.

(4) Đánh giá hiệu quả sản xuất lâm nghiệp bằng các chỉ tiêu: Tỷ trọng chi phí trung gian chiếm trong tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp trong kỳ; hiệu quả giao đất, giao rừng cho hộ dân cư; hiệu quả sản xuất kinh doanh của các lâm trường; hiệu quả khai thác đất lâm nghiệp chưa sử dụng; năng suất lao động trong ngành lâm nghiệp; hiệu quả chuyển đổi cây lâm nghiệp trồng mới, chuyển đổi phương thức quản lý lâm nghiệp mới và đời sống những người làm lâm nghiệp và các chỉ tiêu khác.

(5) Đánh giá quy mô và hiện trạng rừng bằng các chỉ tiêu: Tổng diện tích rừng hiện có chia theo loại rừng, địa bàn, vùng, miền và hình thức quản lý; chủng loại cây rừng và động vật rừng hiện có; số loài mới phát triển và số loài đã bị tuyệt chủng hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng; số loài quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt và các chỉ tiêu khác về tài nguyên rừng.

d) Sản xuất thuỷ sản

(1) Đánh giá các yếu tố đầu vào của sản xuất thuỷ sản bằng các chỉ tiêu: Số hộ, trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp thuỷ sản; diện tích đất, mặt nước nuôi trồng thuỷ sản; ngư trường khai thác hải sản; số lượng, công suất tàu thuyền khai thác thuỷ sản, trong đó chú trọng phân tích loại sử dụng đánh bắt hải sản xa bờ; số lồng bè và thể tích lồng bè nuôi trồng thuỷ sản; số lượng và chất lượng lao động thuỷ sản trong kỳ; các chính sách mới đối với thuỷ sản và các chỉ tiêu đầu vào khác.

(2) Đánh giá kết quả sản xuất thuỷ sản trong kỳ bằng các chỉ tiêu: Tốc độ tăng giá trị sản xuất thuỷ sản thu giá so sánh và cơ cấu giá trị sản xuất thuỷ sản theo giá hiện hành của các hoạt động: (i) Nuôi trồng; (ii) Khai thác; (iii) Dịch vụ thuỷ sản; sản lượng thuỷ sản và tốc độ tăng sản lượng thuỷ sản chia theo khai thác, nuôi trồng, loại thuỷ sản và địa bàn địa phương; sản lượng khai thác hải sản xa bờ; sản lượng thuỷ sản nuôi trồng nước mặn, nước lợ, nước ngọt; sản lượng thuỷ sản nuôi trồng thâm canh, bán thâm canh và quảng canh; sản lượng thuỷ sản nuôi trồng lồng bè; các chỉ tiêu phản ánh chất lượng và sức cạnh tranh của những sản phẩm thuỷ sản chủ yếu.

(3) Phân tích hiệu quả sản xuất thuỷ sản bằng các chỉ tiêu: Tỷ trọng chi phí trung gian chiếm trong tổng giá trị sản xuất thuỷ sản trong kỳ; năng suất nuôi trồng thuỷ sản phân theo các hình thức nuôi trồng (thâm canh, bán thâm canh, quảng canh, lồng bè), phân theo mặt nước nuôi trồng (nước mặn, nước lợ, nước ngọt), phân theo địa bàn địa phương và phân theo loại thuỷ sản nuôi trồng; giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản; năng suất tàu thuyền khai thác thuỷ sản; năng suất tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ; hệ số hoạt động của tàu thuyền khai thác hải sản; năng suất lao động trong ngành thuỷ sản; hiệu quả chuyển đổi phương thức nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản; các chỉ tiêu về tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản và đời sống của ngư dân.

2.3. Sản xuất công nghiệp

(1) Đánh giá các yếu tố đầu vào của sản xuất công nghiệp trong kỳ bằng các chỉ tiêu: Số cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có trong kỳ chia theo cấp quản lý, thành phần kinh tế và hình thức sở hữu, vùng, miền, địa phương; năng lực mới tăng của các ngành, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu; nguồn và giá cả nguyên vật liệu dùng vào sản xuất công nghiệp; số lượng và chất lượng lao động sử dụng trong sản xuất công nghiệp; các chính sách mới của sản xuất công nghiệp và các yếu tố đầu vào khác trong kỳ.

(2) Đánh giá kết quả sản xuất công nghiệp trong kỳ bằng các chỉ tiêu: Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh và cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp theo giá hiện hành chia theo cấp quản lý (Trung ương, địa phương), thành phần kinh tế và hình thức sở hữu (Nhà nước, ngoài Nhà nước, đầu tư trực tiếp của nước ngoài), ngành và vùng, miền, địa phương; tốc độ tăng trưởng công nghiệp của một số địa bàn trong điểm; sản lượng và tốc độ tăng sản lượng của các sản phẩm công nghiệp chủ yếu; sản lượng và tốc độ tăng của công nghiệp chế biến, chế tạo; sản lượng và tốc độ tăng của công nghiệp hỗ trợ và các chỉ tiêu khác.

(3) Đánh giá hiệu quả sản xuất công nghiệp bằng các chỉ tiêu: Tỷ trọng chi phí trung gian chiếm trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong kỳ; sản lượng và chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp; sản lượng và chỉ số tồn kho sản phẩm công nghiệp; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, khu chế xuất; hệ số sử dụng công suất sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ yếu; năng suất lao động và thu nhập của lao động công nghiệp trong kỳ; mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu trong sản xuất công nghiệp và các chỉ tiêu hiệu quả khác.

(4) Đánh giá năng lực và sức cạnh tranh của sản xuất công nghiệp bằng các chỉ tiêu: Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu bình quân đầu người; chất lượng sản phẩm công nghiệp so với các địa phương khác (nếu là báo cáo thống kê kinh tế – xã hội của địa phương) hoặc so với các quốc gia, vùng lãnh thổ khác (nếu là báo cáo thống kê kinh tế – xã hội của cả nước); trình độ công nghệ; hệ số đổi mới thiết bị, máy móc và công nghệ trong kỳ; thị phần sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu và chỉ số cạnh tranh của các sản phẩm này.

(5) Trong các Báo cáo thống kê phân tích tình hình kinh tế – xã hội từ một năm trở lên cần tiến hành lập và phân tích các bảng cân đối như: Bảng cân đối năng lượng quốc gia; bảng cân đối năng lượng riêng biệt; bảng cân đối năng lượng tổng hợp; bảng cân đối sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu của một số sản phẩm công nghiệp quan trọng khác trong kỳ.

2.4. Vốn đầu tư và xây dựng

(1) Đánh giá quy mô, tốc độ và cơ cấu vốn đầu tư bằng các chỉ tiêu: Tổng số vầ tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP; cơ cấu đầu tư phát triển toàn xã hội phân theo nguồn vốn, thành phần kinh tế và khu vực sở hữu, ngành kinh tế, vùng và địa phương, khoản mục đầu tư và các tiêu thức khác; tổng số và tốc độ tăng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài so với GDP; tổng số và tốc độ tăng vốn đầu tư của Nhà nước, ngoài Nhà nước, đầu tư trực tiếp của nước ngoài; tổng số và tốc độ tăng vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tỷ lệ vốn đầu tư xây dựng cơ bản so với GDP; tổng số và tốc độ tăng vốn đầu tư của các ngành, lĩnh vực kinh tế then chốt và các chỉ tiêu khác.

(2) Đánh giá kết quả hoạt động xây dựng bằng các chỉ tiêu: Tốc độ tăng giá trị gia tăng và đóng góp của ngành xây dựng vào tăng trưởng GDP; các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng hoàn thành trong kỳ, bao gồm: Quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chi tiết đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn và các quy hoạch xây dựng khác; các chỉ tiêu quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng công bố trong kỳ; các dự án, công trình trọng điểm khởi công, đang xây dựng và hoàn thành trong kỳ; diện tích sàn nhà ở xây dựng hoàn thành trong kỳ phân theo loại nhà (kiên cố, bán kiên cố và nhà tạm, chung cư, nhà đơn lẻ, biệt thự); giá trị tài sản mới tăng trong kỳ; năng lực mới tăng trong kỳ và các chỉ tiêu khác.

(3) Đánh giá hiệu quả vốn đầu tư và xây dựng bằng các chỉ tiêu: Tỷ trọng chi phí trung gian chiếm trong tổng giá trị sản xuất của ngành xây dựng trong kỳ; thời hạn thu hồi vốn đầu tư; hệ số thu hồi vốn đầu tư; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) và các chỉ tiêu khác.

2.5. Hoạt động thương mại, giá cả và dịch vụ

a) Hoạt động thương mại và diễn biến giá cả

(1) Đánh giá năng lực hoạt động thương mại bằng các chỉ tiêu: Mạng lưới thương mại, dịch vụ; số điểm kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; số siêu thị và trung tâm thương mại; tỷ lệ lấp đầy trung tâm thương mại; số trang thông tin điện tử bán hàng; số sàn giao dịch thương mại điện tử; số cơ sở bán hàng đa cấp; số chợ dân sinh; số kho bảo thuế, kho ngoại quan và cửa hàng miễn thuế; số lượng và tỷ lệ lấp đầy khu thương mại tự do, khu kinh tế mở; sức mua xã hội; chỉ số niềm tin của người tiêu dùng; số nền kinh tế có quan hệ thương mại, dịch vụ và các chỉ tiêu khác.

(2) Đánh giá kết quả hoạt động thương mại bằng các chỉ tiêu: Tốc độ tăng giá trị gia tăng và đóng góp của ngành thương mại vào tăng trưởng GDP; tổng trị giá, tốc độ tăng và cơ cấu tổng mức hàng hoá bán ra chia theo bán buôn và bán lẻ, thành phần kinh tế và hình thức sở hữu, vùng, miền và địa phương, ngành hàng; tổng trị giá, tốc độ tăng và cơ cấu tổng mức lưu chuyển ngoại thương chia theo xuất khẩu, nhập khẩu, loại hàng hoá, dịch vụ và thị trường; tỷ trọng giá trị hàng hoá xuất khẩu hàng chế biến, hàng nguyên liệu thô; tỷ lệ giá trị xuất khẩu hàng hoá dịch vụ so với GDP; tỷ trọng giá trị nhập khẩu hàng hoá là tư liệu sản xuất, hàng tiêu dùng; tỷ lệ giá trị nhập khẩu hàng hoá dịch vụ so với GDP; cân đối cán cân thương mại dịch vụ; tỷ lệ xuất siêu hoặc nhập siêu hàng hoá dịch vụ theo loại hàng hoá dịch vụ và thị trường; trị giá, khối lượng và tốc độ tăng một số mặt hàng xuất, nhập khẩu chủ yếu.

(3) Đánh giá diễn biến giá cả bằng các chỉ tiêu: Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất nông, lâm, thuỷ sản; chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất công nghiệp; chỉ số giá cước vận tải hàng hoá; chỉ số giá bán vật tư cho sản xuất; chỉ số giá nhiên liệu cho sản xuất; chỉ số giá xây dựng; chỉ số giá bất động sản; chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá; chỉ số tỷ giá hàng hoá; chỉ số tỷ giá hàng hoá xuất nhập khẩu; chỉ số giá tiêu dùng theo nhóm hàng hoá dịch vụ; chỉ số giá vàng; chỉ số giá đô la Mỹ và các ngoại tệ mạnh khác. Đây là hệ thống chỉ số giá cần sử dụng trong Báo cáo nhằm đánh giá một cách toàn diện diễn biến giá cả trong kỳ. Tuy nhiên, việc sử dụng chỉ tiêu nào tuỳ thuộc yêu cầu, mục tiêu của từng báo cáo cụ thể và khả năng nguồn thông tin thu thập, xử lý và tổng hợp được.

b) Hoạt động dịch vụ

(1) Đánh giá hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá bằng các chỉ tiêu: Tốc độ tăng giá trị gia tăng và đóng góp của ngành vận tải vào tăng trưởng GDP; chiều dài mạng lưới giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không và đường ống); số lượng và năng lực các bến bãi, ga đường sắt, cảng biển, cảng hàng không; số phương tiện và năng lực vận tải của các phương tiện; mật độ đường giao thông; mạng lưới và năng lực giao thông vận tải đô thị; khối lượng hành khách và khối lượng hàng hoá vận chuyển, luân chuyển chia theo loại phương tiện, hình thức sở hữu và thành phần kinh tế thực hiện và địa bàn địa phương; cự ly vận chuyển hành khách và cự ly vận chuyển hàng hoá bình quân; doanh thu vận tải; giá cước vận tải và các chỉ tiêu khác.

(2) Đánh giá hoạt động bưu chính viễn thông bằng các chỉ tiêu: Tốc độ tăng giá trị gia tăng và đóng góp của ngành bưu chính viễn thông vào tăng trưởng GDP; mạng lưới bưu chính công cộng; bán kính phục vụ bình quân một trung tâm đầu mối, bưu cục hoặc điểm bưu điện; số thuê bao điện thoại cố định, di động; thuê bao điện thoại bình quân 100 dân; số tổ chức cung cấp dịch vụ mạng; số thuê bao internet; số thuê bao internet bình quân 100 dân; số đơn vị có trang thông tin điện tử riêng; số máy tính điện tử đang sử dụng; số máy tính điện tử bình quân 100 dân; sản lượng bưu chính; sản lượng viễn thông; doanh thu bưu chính viễn thông; giá cước bưu chính, viễn thông; chỉ số sẵn sàng công nghệ thông tin và các chỉ tiêu khác.

(3) Đánh giá hoạt động du lịch bằng các chỉ tiêu: Tốc độ tăng giá trị gia tăng và đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng GDP; số điểm, số khu và số tuyến du lịch; số cơ sở đại lý du lịch; số đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành; số cơ sở lưu trú; năng lực của các cơ sở lưu trú; số lượng và cơ cấu khách du lịch phân theo nội địa và nước ngoài, du lịch trong nước và nước ngoài, lữ hành và lưu trú; chi tiêu bình quân một lượt khách và bình quân một ngày khách du lịch; tổng doanh thu du lịch và các chỉ tiêu khác.

III. Các vấn đề xã hội và môi trường

3.1. Dân số, lao động và việc làm

(1) Đánh giá quy mô, tốc độ tăng và cơ cấu dân số theo giới tính, khu vực thành thị, nông thôn, dân tộc, tôn giáo tín ngưỡng, tuổi và các cơ cấu khác; mật độ dân số thành thị, nông thôn và đơn vị hành chính; tuổi thọ bình quân; tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh; kế hoạch hoá gia đình và sinh đẻ có kế hoạch; các chỉ tiêu phản ánh biến động tự nhiên và biến động cơ học của dân số trong kỳ và các chỉ tiêu khác.

(2) Đánh giá tình trạng hôn nhân và tình trạng biết chữ của dân số bằng các chỉ tiêu: Số cuộc kết hôn; số vụ ly hôn; tỷ suất kết hôn và tỷ suất ly hôn; tuổi trung vị kết hôn lần đầu; tỷ lệ dân số 10 tuổi trở lên biết chữ; số năm đi học trung bình của dân số và các chỉ tiêu khác.

(3) Đánh giá số lượng và chất lượng lao động bằng các chỉ tiêu: Tổng số lao động và tốc độ tăng giảm; tỷ lệ dân số tham gia lực lượng lao động; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đặc trưng theo tuổi và đặc trưng theo giới; số lao động đang làm việc và tỷ lệ lao động đang làm việc trong tổng dân số thuộc lực lượng lao động; tỷ lệ lao động thoái chí đặc trưng theo tuổi và theo giới tính; số người sống phụ thuộc và tỷ lệ người sống phụ thuộc; số người và tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và các chỉ tiêu khác.

(4) Đánh giá tình hình việc làm trong kỳ bằng các chỉ tiêu: Số lao động làm việc phân theo tuổi, giới tính, thành thị, nông thôn, ngành kinh tế và các tiêu chí khác; số người và tỷ lệ lao động đang làm việc tại nước ngoài; số lao động và tỷ lệ lao động đủ việc làm; số lao động và tỷ lệ lao động thiếu việc làm; số người và tỷ lệ thất nghiệp đặc trưng theo tuổi và theo khu vực cư trú (thành thị, nông thôn); số giờ, số ngày làm việc bình quân một lao động trong kỳ; tỷ lệ lao động làm các công việc dễ bị tổn thương; số lao động được tạo việc làm mới trong kỳ; số lao động nước ngoài đang làm việc trong nền kinh tế; số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn lao động; số người mắc các bệnh nghề nghiệp; thu nhập danh nghĩa và thu nhập thực tế bình quân một lao động trong kỳ theo giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, ngành kinh tế, thành thị, nông thôn, vùng, miền và địa phương.

3.2. Giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ

(1) Đánh giá chung về giáo dục, đào tạo bằng các chỉ tiêu: Số cơ sở giáo dục đào tạo chia theo công lập, dân lập, tư thục và chia theo cấp học, địa bàn; số trường học, lớp học, phòng học hiện có; tổng số người đi học; số người đi học bình quân một vạn dân; tỷ lệ người lớn biết chữ; số năm đi học bình quân; số người đi học nước ngoài; số người nước ngoài đến học; số học sinh, sinh viên được giải thưởng quốc gia, quốc tế; số nhà giáo được phong tặng danh hiệu và các chỉ tiêu khác.

(2) Đánh giá giáo dục mầm non bằng các chỉ tiêu: Số cơ sở, số lớp, số giáo viên mầm non; số trẻ em và tỷ lệ trẻ em đi nhà trẻ; số trẻ em đi mẫu giáo và tỷ lệ trẻ em đi mẫu giáo và các chỉ tiêu khác.

(3) Đánh giá giáo dục phổ thông bằng các chỉ tiêu: Số cơ sở, số lớp, số phòng, số giáo viên và số học sinh phổ thông chia theo cấp học, địa bàn; số giáo viên phổ thông bình quân một lớp của mỗi cấp học; số học sinh phổ thông bình quân một lớp học của mỗi cấp học; số học sinh phổ thông bình quân một giáo viên của mỗi cấp học; tỷ lệ đi học phổ thông; số học sinh và tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi phổ thông; số học sinh và tỷ lệ học sinh lên lớp, lưu ban, bỏ học, hoàn thành cấp học, tốt nghiệp cấp học, chuyển cấp học và các chỉ tiêu khác về giáo dục phổ thông trong kỳ.

(4) Đánh giá giáo dục nghề nghiệp bằng các chỉ tiêu: Số trường, số giáo viên và số học sinh trung cấp chuyên nghiệp; số học sinh tuyển mới và số học sinh tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp trong kỳ; số cơ sở, số giảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề; số sinh viên, học sinh tuyển mới và tốt nghiệp nghề; số cơ sở và số lượt người được kèm cặp nghề trong kỳ.

(5) Đánh giá giáo dục cao đẳng, đại học và trên đại học trong kỳ bằng các chỉ tiêu: Số cơ sở, số giảng viên, số sinh viên cao đẳng, đại học hiện có; số sinh viên cao đẳng, đại học bình quân một vạn dân; số học viên đào tạo thạc sĩ hiện có, tuyển mới và hoàn thành chương trình đào tạo trong kỳ; số nghiên cứu sinh đào tạo tiến sĩ hiện có, tuyển mới và hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ trong kỳ và các chỉ tiêu khác.

(6) Đánh giá giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên biệt bằng các chỉ tiêu: Số cơ sở, số giáo viên, số học viên giáo dục thường xuyên hiện có, tuyển mới và tốt nghiệp trong kỳ; số cơ sở, số giáo viên, giảng viên, quản giáo và số học sinh, học viên thuộc các cơ sở giáo dục chuyên biệt, bao gồm: Trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú; trường dự bị đại học cho con em dân tộc ít người; trường chuyên, trường năng khiếu; trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật; trường, cơ sở giáo dưỡng giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

(7) Các chỉ tiêu khác về giáo dục, đào tạo: Tổng số chi và tỷ lệ chi cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của quốc gia so với GDP; chi cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của quốc gia bình quân đầu người; tổng số chi và tỷ lệ chi cho giáo dục đào tạo của hộ gia đình trong tổng số chi tiêu của hộ gia đình; chi tiêu cho giáo dục đào tạo bình quân đầu người của hộ gia đình; chỉ số giáo dục; chỉ số giáo dục cho tất cả; chỉ số học vấn và các chỉ tiêu khác về giáo dục, đào tạo trong kỳ.

(8) Đánh giá tiềm lực khoa học công nghệ bằng các chỉ tiêu: Số cơ sở, số tổ chức và số người làm khoa học công nghệ; số cơ sở ươm tạo, số doanh nghiệp và số khu công nghệ cao; tỷ lệ lấp đầy khu công nghệ cao; số chợ công nghệ, trung tâm giao dịch công nghệ hiện có; số người và tỷ lệ người có học vị; chi cho đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp; tổng số chi và tỷ lệ chi cho hoạt động khoa học và công nghệ của quốc gia so với GDP và các chỉ tiêu khác về tiềm lực khoa học công nghệ trong kỳ.

(9) Đánh giá kết quả hoạt động khoa học công nghệ trong kỳ bằng các chỉ tiêu: Số và tỷ lệ đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, đổi mới sáng tạo triển khai nghiên cứu, hoàn thành, đưa vào áp dụng; số tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia được công bố, ban hành; số đơn vị áp dụng tiêu chuẩn chất lượng ISO; số lần tổ chức và số lượt người đến xem hội chợ, triển lãm công nghệ trong kỳ; giá trị mua, bán công nghệ và giá trị mua, bán quyền sử dụng sáng chế trong kỳ; chỉ số trình độ công nghệ; chỉ số công nghệ cao; chỉ số đổi mới; chỉ số sáng tạo; chỉ số sáng tạo toàn cầu; chỉ số thành tựu khoa học công nghệ và các chỉ tiêu khác.

3.3. Văn hoá, thông tin và thể dục, thể thao

(1) Đánh giá hoạt động văn hoá, thông tin bằng các chỉ tiêu: Số di tích được xếp hạng phân theo cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt và cấp tỉnh; số di tích văn hoá vật thể và phi vật thể được thế giới công nhận; số người hoạt động văn hoá được phong tặng danh hiệu; số bảo tàng và số lượt người tham quan bảo tàng; số thư viện, số tài liệu trong thư viện; số lượt người được phục vụ trong thư viện; số nhà xuất bản, số đầu sách và số bản sách xuất bản; số cơ quan báo chí; số báo, tạp chí xuất bản; số chương trình, số giờ chương trình phát thanh, truyền hình; số cơ sở điện ảnh, số bộ phim và số bản phim được sản xuất; số cơ sở chiếu phim, số rạp hát và số lượt người xem chiếu phim và xem biểu diễn nghệ thuật; số cơ sở, số đơn vị, số diễn viên chuyên nghiệp biểu diễn nghệ thuật; số câu lạc bộ, số hội viên câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng; số lễ hội và số lượt người tham dự lễ hội; số tổ chức, số cơ sở, số tín đồ tôn giáo và các chỉ tiêu khác.

(2) Đánh giá hoạt động thể dục, thể thao bằng các chỉ tiêu: Số cơ sở thể thao; số câu lạc bộ, số huấn luyện viên, số trọng tài và số vận động viên chuyên nghiệp; số vận động viên đẳng cấp cao; số câu lạc bộ và số hội viên câu lạc bộ thể thao quần chúng; số công trình thể dục thể thao; số người và tỷ lệ người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên; số lượt người xem biểu diễn, thi đấu thể dục thể thao; số kỷ lục thể thao quốc gia, quốc tế xác lập; số huy chương thi đấu thể thao quốc tế và các chỉ tiêu khác.

(3) Các chỉ tiêu khác về văn hoá, thông tin và thể dục, thể thao: Thời gian tham gia các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao bình quân một người mỗi ngày; tổng số chi và tỷ lệ chi cho sự nghiệp văn hoá, thông tin và thể dục, thể thao của quốc gia so với GDP; tổng số chi và tỷ lệ chi cho văn hoá, thông tin và thể dục, thể thao của các hộ gia đình trong tổng số chi tiêu của hộ gia đình; chi cho văn hoá, thông tin và thể dục, thể thao của quốc gia và của hộ gia đình bình quân đầu người và các chỉ tiêu khác.

3.4. Y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng

(1) Đánh giá năng lực y tế bằng các chỉ tiêu: Số cơ sở y tế phân theo cấp quản lý, địa bàn địa phương, hình thức sở hữu và các tiêu chí khác; số cơ sở kinh doanh thuốc; số cơ sở y tế, số cơ sở bán lẻ thuốc bình quân 1 vạn dân; tổng số giường bệnh và số giường bệnh bình quân 1 vạn dân; tổng số nhân lực y tế và số y tế bình quân 1 vạn dân; tổng số bác sĩ và số bác sĩ bình quân 1 vạn dân; tổng số và tỷ lệ thạc sĩ và tiến sĩ y học, giáo sư và phó giáo sư y khoa, thầy thuốc ưu tú và thầy thuốc nhân dân; tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn xây dựng kiên cố, có bác sĩ, có hộ sinh viên hoặc y sĩ sản nhi; tỷ lệ thôn bản có nhân viên y tế và các chỉ tiêu khác.

(2) Đánh giá kết quả hoạt động y tế bằng các chỉ tiêu: Tỷ lệ dân số tiếp cận được các dịch vụ y tế ban đầu, tiếp cận được các loại thuốc thiết yếu; tổng số lượt người và số lượt người khám bệnh bình quân 1 vạn dân; số lượt người điều trị tại các cơ sở y tế trong nước, nước ngoài và số người nước ngoài đến điều trị tại các cơ sở y tế trong nước; công suất sử dụng giường bệnh; số ngày điều trị nội trú bình quân một đợt điều trị của người bệnh; tỷ lệ dân số có thẻ bảo hiểm y tế; tổng số ca mắc và số ca mắc các bệnh gây dịch bình quân 1 vạn dân; tổng số người chết và tỷ lệ chết do các bệnh gây dịch; tổng số người mắc, người chết thuộc 10 bệnh, nhóm bệnh mắc cao nhất; tỷ lệ phụ nữ khám thai đủ số lần quy định; tỷ lệ ca đẻ có trợ giúp của y tế; tỷ lệ trẻ sơ sinh có trọng lượng dưới 2500 gam, trẻ bị khuyết tật bẩm sinh và trẻ bị các bệnh lây truyền từ mẹ sang con; tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ thừa cân, béo phì; tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đủ các loại vác xin dự phòng theo quy định; số vụ, số người bị và số người chết do ngộ độc thực phẩm.

(3) Các chỉ tiêu khác về y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng: Tổng số chi và tỷ lệ chi cho sự nghiệp y tế của quốc gia so với GDP; tổng số chi cho y tế và tỷ lệ chi cho y tế chiếm trong tổng số chi tiêu của các hộ gia đình; chi cho y tế của quốc gia, của hộ gia đình bình quân đầu người; chỉ số đánh giá về chính sách y tế; chỉ số đánh giá hệ thống thông tin y tế; chỉ số bao phủ y tế toàn dân và các chỉ tiêu khác.

3.5. Trật tự an toàn xã hội và bình đẳng giới

(1) Đánh giá hoạt động tư pháp bằng các chỉ tiêu: Số văn bản quy phạm pháp luật ban hành; tổng số luật sư và số luật sư bình quân 1 vạn dân; số thẩm phán; số kiểm sát viên; tổng số công chứng và số công chứng viên bình quân 1 vạn dân; số tuyên truyền viên, báo cáo viên và số tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; số người được trợ giúp pháp lý trong kỳ; số tổ hoà giải, số hoà giải viên và số trường hợp tiến hành hoà giải ở cơ sở; số vụ án dân sự, hình sự; số đương sự, số bị đơn án dân sự; số người phạm tội, số bị can, số bị cáo; tổng số phạm nhân đang chịu hình phạt và số phạm nhân đang chịu hình phạt bình quân 1 vạn dân; số lượt người khiếu nại và số khiếu nại được thụ lý, được giải quyết và các chỉ tiêu khác.

(2) Các chỉ tiêu khác về trật tự an toàn xã hội: Số vụ tai nạn, số người bị chết và số người bị thương do tai nạn giao thông; số vụ cháy nổ và mức độ thiệt hại về người, tài sản do cháy nổ; số trường hợp vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tự khai báo, bị phát hiện, bị xử lý; số vụ bạo lực gia đình và số nạn nhân bạo lực gia đình được phát hiện, được xử lý; số vụ tham nhũng được phát hiện, được xử lý; chỉ số tham nhũng; chỉ số cải cách thủ tục hành chính và các chỉ tiêu khác.

(3) Đánh giá về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ bằng các chỉ tiêu: Các tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo Bộ, ngành, lãnh đạo các tổ chức chính trị, xã hội, giám đốc, chủ doanh nghiệp, chủ trang trại; tỷ lệ nữ thạc sĩ và tiến sĩ, giáo sư và phó giáo sư, nhà giáo ưu tú và nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ ưu tú và nghệ sĩ nhân dân, nghệ nhân ưu tú và nghệ nhân nhân dân; tỷ lệ lao động nữ trong tổng số lao động được giải quyết việc làm mới; tỷ lệ lương bình quân của lao động nữ so với lao động nam; tỷ lệ thời gian làm bình quân 1 ngày của nữ so với nam; tỷ lệ thời gian làm việc nội trợ, thời gian sinh hoạt văn hoá, thể thao giải trí bình quân 1 ngày của nữ so với nam; tổng số chi và tỷ lệ chi cho hoạt động bình đẳng giới của quốc gia so với GDP; chỉ số phát triển giới; chỉ số khoảng cách giới; chỉ số vai trò phụ nữ; chỉ số bình đẳng về giới; chỉ số bất bình đẳng giới và các chỉ tiêu khác.

3.6. Đời sống dân cư

(1) Các chỉ tiêu về thu nhập, chi tiêu và tỷ lệ nghèo: Mức thu nhập, tốc độ tăng và cơ cấu thu nhập bình quân đầu người 1 tháng chia theo thành thị, nông thôn và các nhóm hộ; hệ số thu nhập bình quân đầu người của thành thị so với nông thôn, nhóm hộ có mức thu nhập bình quân cao nhất so với nhóm hộ có mức thu nhập bình quân thấp nhất; tỷ trọng thu nhập của 40% số dân nghèo nhất; hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (GNI); mức chi tiêu, tốc độ tăng và cơ cấu chi tiêu bình quân đầu người 1 tháng chia theo thành thị, nông thôn và các nhóm hộ; tỷ lệ chi tiêu dùng của hộ dân cư so với thu nhập; hệ số chi tiêu bình quân đầu người của thành thị so với nông thôn, nhóm hộ có thu nhập bình quân cao nhất so với nhóm hộ có thu nhập bình quân thấp nhất; tỷ lệ nghèo chung; tỷ lệ nghèo lương thực, thực phẩm và tỷ lệ nghèo đa chiều.

(2) Các chỉ tiêu khác về mức sống dân cư: Mức tiêu dùng và tốc độ tăng tiêu dùng một số mặt hàng chủ yếu bình quân đầu người 1 tháng; số lượng đồ dùng lâu bền bình quân 100 hộ dân cư; tỷ lệ hộ dân cư có đồ dùng lâu bền, sử dụng hố xí hợp vệ sinh, sử dụng điện cho sinh hoạt, sử dụng nước sạch, có nhà ở; tỷ lệ dân số thành thị được cung cấp nước máy và mức sử dụng nước máy bình quân đầu người 1 tháng ở khu vực thành thị; diện tích nhà ở bình quân đầu người; thời gian tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao giải trí trung bình 1 người 1 ngày; chỉ số chi phí cuộc sống; chỉ số phúc lợi tiêu dùng; chỉ số phát triển con người (HDI) và các chỉ tiêu khác.

3.7. Khí hậu và môi trường

(1) Đánh giá diễn biến khí hậu, thời tiết trong kỳ bằng các chỉ tiêu: Nhiệt độ, độ ẩm không khí; số ngày nắng, lượng mưa; mực nước sông và mức nước biển dâng; số cơn bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, lũ quét và các thảm hoạ thiên tai khác; số công trình phòng, chống thiên tai; số vụ thiên tai và mức độ thiệt hại.

(2) Đánh giá về môi trường và hoạt động bảo vệ môi trường bằng các chỉ tiêu: Tỷ lệ diện tích đất được bảo vệ, duy trì đa dạng sinh học; tỷ lệ diện tích đất thoái hoá; tỷ lệ diện tích rừng đặc dụng được bảo tồn; tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên bị suy thoái; diện tích đất ngập nước tăng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng; độ che phủ rừng; diện tích cây xanh đô thị bình quân 1 vạn dân; tỷ lệ diện tích cây xanh đô thị; tỷ lệ tiêu dùng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; tỷ lệ nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại đã xử lý đạt tiêu chuẩn; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô hộ gia đình cam kết bảo vệ môi trường; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung, thu gom chất thải rắn công nghiệp đạt tiêu chuẩn; số vụ ô nhiễm môi trường được phát hiện, được xử lý và được khắc phục.

(3) Các chỉ tiêu khác về môi trường: Tổng sản phẩm trong nước xanh; tỷ lệ tổng sản phẩm tỏng nước xanh so với GDP; tổng số chi cho hoạt động bảo vệ môi trường của quốc gia so với GDP; chỉ số chất lượng nước mặt lục địa; chỉ số chất lượng không khí; chỉ số thực hiện hạn ngạch phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; chỉ số ô nhiễm tiếng ồn; chỉ số năng lực quản lý môi trường; chỉ số bền vững môi trường và các chỉ tiêu khác.

IV. Kết luận và kiến nghị

a) Kết luận và dự báo xu hướng phát triển của tình hình

(1) Khái quát lại những nét lớn, những diễn biến lớn về thực trạng tình hình kinh tế – xã hội trong kỳ bằng các chỉ tiêu thống kê định lượng, phản ánh kết quả đạt được cũng như những hạn chế, bất cập.

(2) Đánh giá kết quả đạt được theo mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra, bao gồm những chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra và những chỉ tiêu không đạt hoặc so với các kỳ trước, các nền kinh tế khác.

(3) Dự báo triển vọng và xu hướng phát triển của tình hình bằng việc đưa ra các phương án có thể có, bao gồm: Phương án thấp nhất, phương án trung bình và phương án cao nhất; đồng thời khái quát các yếu tố, các điều kiện chủ yếu cần có cho mỗi phương án. Phần dự báo này thực hiện tốt, chất lượng báo cáo phân tích sẽ được nâng lên đáng kể. Đối với những người làm công tác thống kê thì đây không phải là vấn đề mới, hơn thế còn là sở trường vì dự báo thực chất chỉ là ước tính trong khoảng thời gian xa hơn một chút.

b) Đề xuất giải pháp

Việc đề xuất các giải pháp không thể theo một hệ thống giải pháp cố định, có sẵn, mà phải căn cứ vào điều kiện thực tế, tình hình cụ thể để đưa ra các giải pháp. Về mặt nguyên tắc, các giải pháp đề xuất cần bảo đảm các yêu cầu sau đây:

(1) Phải phát huy được kết quả đạt được; đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém đang tồn tại.

(2) Phải đa dạng hoá, hình thành một hệ thống các giải pháp đồng bộ, có sự liên kết và tác động qua lại lẫn nhau.

(3) Phải phù hợp, thiết thực và bảo đảm tính khả thi.

(4) Phải kết hợp thực hiện mục tiêu trước mắt với mục tiêu trung hạn và dài hạn.

(5) Phải thường xuyên xem xét, đánh giá lại để bổ sung kịp thời các giải pháp và không ngừng hoàn thiện hệ thống giải pháp đề xuất qua các kỳ.

Hệ thống giải pháp có thể do chúng ta nghiên cứu, đề xuất hoàn toàn mới, cũng có thể chiết xuất từ các nguồn khác và tổng hợp lại. Tuy nhiên cần cân nhắc, chọn lọc kỹ và chỉ nêu những giải pháp chủ yếu, có tính khả thi cao, tránh liệt kê nguyên vẹn tất cả các giải pháp mà các cấp, các ngành, các cơ quan khác đã đưa ra. Mỗi giải pháp mà chúng ta lựa chọn nêu trong báo cáo có thể và cần phải được phân tích, dẫn chứng bằng số liệu. Không nêu chung chung thiếu số liệu thống kê định lượng minh họa, dẫn chứng./.

TS. Trần Kim Đồng

By Phổ biến thông tin thống kê

Cảm ơn bạn đã đọc bài

Related Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *