T7. Th7 27th, 2024

Ông ơi! Ngành con đang tổ chức cuộc thi “Theo dấu nghề Thống kê” theo đó người dự thi viết bài về những hiểu biết, quan điểm của mình về ngành Thống kê, về những câu chuyện, kỷ niệm của những người làm công tác thống kê khi tham gia các hoạt động thống kê do ngành Thống kê tổ chức thực hiện. Bài dự thi có thể là những câu chuyện bỡ ngỡ của ngày đầu tiên bước chân vào ngành hoặc cũng có thể là những cảm nhận của bản thân về nghề thống kê mà mình đã chọn

Cũng đã gần hai mươi năm con không được nói chuyện với ông, không được kể cho ông nghe những câu chuyện về ngành Thống kê. Và giờ tuổi nghề của con cũng tương ứng với ngần ấy thời gian, đủ để con hiểu vì sao mỗi lúc con kể chuyện về Ngành mắt Ông lại rực sáng và chăm chú nghe đến vậy. Dòng máu Thống kê luôn chảy trong ông, giờ đây nó đã truyền qua con và con cũng đủ hiểu con lỡ yêu Thống kê mất rồi!

Nhớ những ngày đầu mới bước vào ngành, hành trang trong chiếc ba lô của con là 1 cuốn sách mà Cục Thống kê Gia Lai tặng cho ông và ông đã tặng lại cho con. Ông vui vẻ viết vào đó với dòng chữ rất ngay ngắn, thẳng hàng không giống như đó là chữ viết của một người đã ngoài bảy mươi, một độ tuổi mà người ta thường nói “Nhân sinh thất thập cổ lai hi”, con không hiểu hết ý nghĩa của câu nói ấy, nhưng con biết chắc rằng ông đã già, một độ tuổi tương đối hiếm của người đời. Và điều không ngờ đó lại là bút tích cuối cùng ông giành tặng con. Ông đã ra đi mãi mãi chỉ để lại trong con nỗi nhớ và dòng máu yêu ngành Thống kê vẫn ngấm ngầm trong con.

Ông biết không? Con đi làm rất vui. Điều con thích thú nhất trong công tác thống kê đó là điều tra thống kê đó ông. Không biết hồi xưa thời ông làm điều tra có phong phú và đa dạng như giờ không? Giờ có rất nhiều cuộc điều tra thường xuyên và Tổng điều tra. Tổng điều tra dân số và nhà ở, Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản, Tổng điều tra Kinh tế. Điều tra thường xuyên thì có điều tra Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình, điều tra lao động việc làm, các cuộc điều tra nông nghiệp, Khảo sát mức sống….và rất rất nhiều cuộc điều tra khác. Mỗi cuộc điều tra là mỗi dấu ấn và những kỷ niệm khó quên trong con.

“Thống kê vất vả gian nan

Phải đi đến tận địa bàn điều tra

Tổng hợp kết quả cho ra

Những bộ số liệu quý ngang như vàng“

ST Dương Danh Tôn

Krông Pa – Gia Lai nơi con làm việc là một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh với hơn 68% là đồng bào dân tộc thiểu số, đường xá đi lại còn khá khó khăn vất vả. Nhớ lại những ngày đầu mới đi làm nơi đây có nhiều cái khác lạ so với cuộc sống thường ngày của con, có quá nhiều thứ con phải học, trong đó là phải học cách qua đò, qua đò là phương thức duy nhất để qua được các xã bên kia sông. Con sông quanh năm nước trong xanh, êm đềm, chỉ những ngày mưa lũ nước sông mới đục ngầu chảy cuồn cuộn. Bến đò lúc nào cũng tấp nập, phần đông là các bà, các chị đi chợ qua lại, các thương buôn nhỏ lẻ, phương tiện duy nhất của họ là một chiếc xe hon da, hai bên là 2 cái giỏ cần xé với đủ các mặt hàng từ những gói thuốc tây cho đến bì chè, cọng rau, con cá…. Con hay gọi đó là các tạp hóa di động.

Nhắc đến bến đò người ta hay nghĩ đến hai bờ đê thoai thoải với đồng lúa bao la, những cánh đồng ngô bát ngát nhưng ông biết không bến đò này không như vậy bởi đây là vùng đất cao nguyên lắm núi cao hiểm trở nên bến đò này cũng rất đặc biệt. Muốn tới được đò để qua bên kia sông phải đi qua một bãi cát rộng mênh mông. Đôi bàn tay con ghì chặt lên tay đông xe, giữ cho xe không bị chao đảo, hai chân phải dang ngang ra để giữ thăng bằng và cũng để chống chân mỗi khi xe ngã, cát dưới chân khá nóng, trước mặt nếu không có bờ sông thì chắc con tưởng mình đang lạc vào sa mạc.

Đi một đoạn khá xa, khá chật vật con thấy cát dưới chân không còn nóng nữa mà nó mát dần rồi từ từ xe con cứ lún dần lún dần cho đến khi nước ngập đầu gối, con được người ta giúp đẩy xe lên đò. Ngồi trên con đò con ngẩng đầu nhìn bầu trời trong xanh, gió cao lồng lộng thổi vào mặt, một cảm giác thật yên bình thoải mái biết bao. Người ta thường nói cảm giác sung sướng sẽ qua rất nhanh, thật đó ông à, chớp mắt đã qua được bên kia đò, nỗi lo lắng lớn nhẩt của con đã đến, trước mặt con là một con dốc sừng sững, lởm chởm, đầy rảnh sâu, chỉ cần bánh xe bị lọt vào các rảnh đó là có thể bị lăn tuột xuống vực bất kỳ lúc nào. Lấy hết can đảm, vững tay lái, vào số con cẩn thận cho xe bò lên con dốc, chỉ có thể tiến chứ không thể lùi, không dám ngoảnh đầu nhìn lại.

Qua con dốc, chạy thêm vài cây số nữa là đến địa bàn điều tra buôn Dúi – Xã Iarmok, giờ đây con có thể thở phào nhẹ nhõm vì mình đã qua đò an toàn và có thể thuận lợi thu thập thông tin. Dạo một vòng quanh địa bàn con bắt gặp không ít hình ảnh những bé trai, bé gái mỏng manh trong trong những tấm áo sờn rách, những đôi bàn chân nứt nẻ không có nổi một đôi dép lành lặn, khiến cho bất cứ ai bắt gặp đều không khỏi chạnh lòng. Đang tuổi học tuổi chơi , nhiều em đã phải gánh vác công việc của người lớn, nhiều em phải vào rừng hái măng, chăn bò, xuống sông bắt cá phụ giúp cha mẹ để có cái ăn, cái mặc. Thấy người lạ vào làng các em giương đôi mắt to tròn, trong sáng ngây ngô dò xét và theo dõi, các em cũng nhanh chóng làm quen và trở nên thân thiết, gần gũi với con hơn. Quả thật nơi đây quá hoang sơ, không tân tiến, ồn ào, sặc sỡ sắc màu như ở nơi thị thành mà nó đơn sơ, chân chất tình người, cái thật thà dễ thương, dễ mến, dễ gần khiến ai đến một lần thì khó mà quên.

Thu thập thông tin tại địa bàn xong thì trời cũng đã tối, con vội vã quay trở lại bến đò, đối diện với con dốc cao sừng sững, đi lên đã khó, đi xuống còn khó gấp trăm ngàn lần, với một cô gái quen sống cảnh thành phố như con thì khó khăn càng khó khăn chồng chất, con nhắm mắt hít một hơi dài lấy lại bình tĩnh, chạy một mạch xuống bến đò. Điểm tiếp nối giữa con đò và con dốc là một thanh gỗ nhỏ chỉ đủ bánh xe đi qua, may thay con cũng đã xuống đò an toàn. Một chiếc đò bé xíu mà chở tới năm chiếc xe máy và tương ứng với từng ấy con người, đò thật sự đã quá tải trọng, mặt nước giờ không còn phẳng lặng mà nó gập gềnh, từng đợt sóng nhỏ nhấp nhô đập vào mạng thuyền. Con nhắm chặt mắt và cầu nguyện, cầu mong sao con được qua đến bờ bên kia an toàn. Về đến nhà, toàn thân con rã rượi, con cười bảo đi ngủ thôi, mai lại đi tiếp.

Có một lần vào một buổi chiều con được Bác Thôn trưởng dẫn đường đến trước một cánh cổng lớn được móc lại bởi một thanh sắt ngắn. Trước mặt con là một dải đất rộng mênh mông nhưng trơ trọi cát trắng và cỏ khô bởi vùng đất nơi con làm phải gánh chịu cái nắng hạn gay gắt kéo dài. Còn chưa hết ngỡ ngàng con nghe bác thôn trưởng bảo:” Đây là nhà ông Vĩnh cháu hãy mở cổng đi vào, còn bác đi ra dẫn đường cho mấy người khác đi tiếp nhen”. Sau một phút phân vân con mở thanh sắt và bước qua cánh cổng đó. Đôi chân con nặng trĩu và rát bỏng bởi vùng đất cát vẫn còn hơi nóng của nắng buổi chiều mặt dầu lúc đó trời đã sẫm tối. Đi vòng quanh cũng khá xa, trước mặt con là một căn nhà nhỏ được bao bọc bởi những cây điều vẫn còn lớt phớt quả chưa thu hoạch hết và hương hoa xoài thơm ngát. Con còn phải đi qua vườn điều mới tới được nhà của ông Vĩnh, dường như ông Vĩnh biết trước con đến nên đã trải thảm lá điều để đón con, ông thật chu đáo khi còn cho một chú chó xinh xắn, miệng luôn mồm kêu la có khách quý đến nhà.

Nhưng một chút thất vọng nho nhỏ, ông Vĩnh đã đi đâu mất rồi chỉ còn đó ngôi nhà lạnh lẽo với ổ khóa treo ngược. Con thất vọng vì không có người ở nhà để đón tiếp con, định quay đầu đi ra thì kỳ lạ thay một cảnh tượng giống cổ tích quá. Ông Vĩnh xuất hiện với chiếc nón lá và gánh nước trên lưng. Trước mặt con là một ông lão râu tóc bạc phơ, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu như ông tiên trong truyện cổ tích làm cho con cảm thấy mình như đang ở trong một khung cảnh xa xưa nào đó. Có thể đây là niềm vui nho nhỏ mà con có được trong công việc thường ngày để con cảm thấy yêu công việc của mình hơn.

Điều tra thống kê cũng có nhiều cái hay phải không ông, chúng ta được gặp gỡ nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, cách nghĩ, cách sống cũng khác nhau để rồi chúng ta tổng hợp, phân tích và trau dồi thêm kinh nghiệm sống cho bản thân mình. Kinh nghiệm sống không phải ngày một ngày hai là có thể có được, có khi chúng ta phải đánh đổi cả đời mới có được nó.

Nội ơi! Hạnh phúc lớn nhất của con là được nằm trong lòng ông, tay vuốt ve chòm râu điểm bạc, ngước nhìn đôi mắt ấm áp, hiền từ của ông. Con rất thích nắm tay ông, được thấy hơi ấm nóng từ tay ông truyền sang thật là dễ chịu để rồi còn kể tiếp những câu chuyện về ngành Thống kê cho ông nghe. Ông thường hay bảo ông thương cháu gái của ông nhất bởi lẽ con là cháu gái duy nhất và cũng là người duy nhất nối nghiệp ông. Ông có biết giờ con đã trưởng thành và đã có tuổi nghề thống kê lắm rồi không? Tình yêu Ngành, yêu nghề thống kê trong con vẫn luôn nguyên vẹn và lớn dần theo thời gian, con đọc cho ông nghe bài thơ của ông Dương Thanh Tôn, nguyên Vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính , Tổng cục Thống kê sáng tác ông nhé!

“Chưa vào nghề chưa biết Thống kê

Vào Nghề rồi ai cũng say mê…

Say tình, say nghĩa, mê nghề nghiệp

Góp sức, chung tay giữ vững nghề”.

Con sẽ phải cố gắng nhiều để xứng đáng là con cháu trong ngành, phát huy những truyền thống cao quý của ngành và góp phần làm cho ngành Thống kê ngày một phát triển./

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Thảo
Đơn vị công tác: Chi cục Thống kê Krông Pa – Tỉnh Gia Lai.

By Phổ biến thông tin thống kê

Cảm ơn bạn đã đọc bài

Related Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *