T7. Th7 27th, 2024
Chiều tháng 6. Đang ngồi tổng hợp số liệu niên giám cấp huyện năm 2022, nhận được thông báo tin nhắn của lãnh đạo đơn vị về cuộc thi viết về nghề Thống kê với chủ đề “Theo dấu nghề Thống kê”. Tự dưng bao nhiêu cảm xúc, những kỷ niệm mới ngày đầu là sinh viên trường Cao đẳng Thống kê, giờ đây đã là cô công chức công tác, gắn bó với nghề cũng gần 11 năm có lẻ ùa về. Không nghĩ đã 11 năm trôi qua nhanh đến vậy.
Sinh ra trong một gia đình bố mẹ tiểu thương, suy nghĩ của cô bé cũng chưa từng nghĩ mình sẽ theo vào nhà nước, cũng như theo ngành Thống kê. Âý vậy như định mệnh, cái duyên đã đưa cô bé đến với ngành và gắn bó đến mức trong tiềm thức có chọn lại cô vẫn chọn Thống kê.
Cô nhớ như in mùa hè năm đó, mẹ mất vì trọng bệnh. Trước khi mất, trên giường bệnh mẹ cô nắm bàn tay của người em gái mình (mà cô bé gọi là Dì), dặn dò người em gái thay mình chăm lo cho cô bé. Rồi vào buổi chiều 49 ngày mẹ bé mất, khi mọi việc đã xong xuôi dì đã nói chuyện với cha cô bé, để đưa cháu lên ở với dì theo học cấp 3 trên thành phố, theo lời dặn dòtrước lúc mất của mẹ cô. Với độ tuổi đó, cô vẫn còn hồn nhiên chưa suy nghĩ được nhiều, khi Dì nói lên thành phố cô chỉ nghĩ rằng lên chơi, học rồi về lại với cha, sẽ kế tiếp việc buôn bán thay cha/mẹ. Rời nhà lên xe theo Dì với cái balo trong đầy sách vở và vài bộ quần áo.
Từ khi đó, cuộc đời cô bé đã thay đổi, được học hành và đó chính là cơ duyên, may mắn để tôi trở thành cô cán bộ Thống kê hiện đang công tác tại một huyện của Cục Thống kê tỉnh Hà Giang, nơi địa đầu tổ quốc!
Dì là người thầy đầu tiên đã đưa bản thân tôi đến với ghế sinh viên tại trường Cao Đẳng Thống kê Bắc Ninh. Sau khi ra trường tôi được tuyển dụng vào ngành Thống kê Hà Giang, công tác tại một huyện vùng cao, đó là huyện Bắc Mê. Khi đi làm là một cán bộ tiếp xúc với môi trường nhà nước, công việc mình làm, bao nhiêu bỡ ngỡ, bao nhiêu khó khăn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, ngoài những kiến thức khi ngồi trên ghế nhà trường, những hướng dẫn từ đồng nghiệp, từ người đi trước, tôi lại gọi điện cho Dì, Dì ơi chỗ này làm thế nào, chỗ kia tính làm sao…
Hành trình của tôi lúc nào cũng có người “thầy” mang tên là “Dì”. Từ khi mới vào ngành, là cán bộ hợp đồng công tác chi cục huyện Bắc Mê, tôi được tham gia nhiều cuộc điều tra, trong đó có cuộc dự án chia sẻ đã để lại nhiều ấn tượng; tôi cùng đoàn đi đến vùng đồng bào thiểu số, khó khăn của 2 huyện phía Tây đó là huyện Hoàng Su Phì, và huyện Xín Mần. Vì các thôn, các xã đều thuộc vùng sâu, vùng xa, đồng bào đều là dân tộc thiểu số. Khi ấy tôi chỉ là cô gái 22 tuổi, cân nặng 40kg, vừa rời ghế nhà trường, kinh nghiệm chưa có, vất vả chưa trải qua…
Trong chuyến công tác hơn 40 ngày đi đến hộ, đến địa bàn, ăn ở sinh hoạt cùng dân thấy vất vả vì đường xá đi lại khó khăn, chủ yếu đường đất, vượt đồi để đến được với hộ dân thu thập thông tin.
Có những ngày vì di chuyển địa bàn xa xôi, thực phẩm hàng ngày đều là cơm trắng với cá mắm, cá hộp, lạc rang. Có ngày ăn ngủ tại hội trường thôn, giường là ghế, gối là phiếu, chăn là những manh áo. Nấu cơm bằng nồi quân dụng 20lit, nước dùng sinh hoạt là nước suối, khe; nhà tắm nhà vệ sinh là mênh mông giữa núi rừng. Những hôm được ăn ngủ tại nhà dân thì dưới sàn vẫn nhốt trâu, dê, lợn, gà. Có đêm được ngủ trên tấm đệm được bện từ rơm có lẽ đã nhiều năm chưa được phơi.
Có lúc tôi đã khóc, khóc vì chưa quen với những vất vả, những nếp sống sinh hoạt, những đoạn đường đi khó khăn như vậy, tôi lại gọi điện về cho dì, chia sẻ, tâm sự cùng dì. Dì lại động viên “ cố gắng lên, khó khăn đó mình mới tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành, cố gắng không được bỏ dở, nếu cháu về thì đoàn phải kéo dài thời gian vì phải gánh thêm phần của cháu, khó khăn tăng lên” Tôi lại cố gắng và được bác trưởng đoàn đặt cho biệt danh “ Con dê núi” vì người bé nhỏ, nhưng lại nhanh, không ngại khó khăn, cơm bữa nào cũng 2 bát. Thế là tôi hoàn thành hơn 40 ngày công tác.
Đúng, sau chuyến công tác đó tôi có nhiều kinh nghiệm hơn, rắn rỏi và trưởng thành hơn, nếu như không có những cuộc điện thoại, những tin nhắn động viên, không có những nỗi thấu hiểu cho sự vất vả của Dì, thì có lẽ tôi cũng không có tinh thần đến vậy.
Vậy đó, những năm tháng gắn bó đầu tiên trong ngành lúc nào cũng là Dì ơi. Cho đến bây giờ khi dì đã nghỉ chế độ. Mỗi lần gặp Dì câu chuyện của 2 dì cháu vẫn là con số Thống kê. Cũng mới chiều qua đấy được nghe dì kể về câu chuyện về những chuyến công tác giám sát, hỗ trợ những cuộc điều tra tại cơ sở, những cuộc điều tra thử để chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra…Dì nói: “Muốn làm tốt, thành công, thì phải trách nhiệm, phải tâm huyết và luôn cố gắng nghiên cứu thật nhiều, đừng bao giờ nghĩ vậy đã đủ…” mới thấy ngưỡng mộ Dì, và cảm nhận được sự cố gắng, nỗ lực, vất vả, tâm huyết của một nguyên lãnh đạo Cục Thống kê Hà Giang.
Cám ơn cuộc đời này đã cho tôi cơ hội được làm việc và công tác trong ngành Thống kê. Cảm ơn người Dì “ Nguyễn Thị Hồng – nguyên phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Hà Giang” là người thầy đầu tiên đưa tôi, dậy dỗ tôi để trở thành cô cán bộ Thống kê hôm nay!
Cảm ơn đồng nghiệp và mọi người đã đọc bài cũng là những dòng chia sẻ của tôi; nó cũng đã được viết khá lâu, và rất nhiều cảm xúc, nên có lẽ không được mạch lạc, mong được cảm thông và chia sẻ. Trân trọng cảm ơn./.
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Vân
Đơn vị công tác: Chi cục Thống kê khu vực Bắc Quang – Quang Bình, Cục Thống kê tỉnh Hà Giang.

By Phổ biến thông tin thống kê

Cảm ơn bạn đã đọc bài

Related Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *