T7. Th7 27th, 2024

Em cần phải xác định rõ mục tiêu của mình, dù ngắn hay dài”. Đó là câu nói mà cô giáo tôi, người Thầy của bao thế hệ sinh viên Thống kê, PGS.TS. Trần Thị Kim Thu, nguyên Giảng viên Khoa Thống kê, trường Đại học Kinh tế quốc dân, dành cho tôi khi tôi là cậu sinh viên năm thứ hai. Mỗi lần nhắc lại, cô lại cười, “Cô nói thế à? Cô cũng không nhớ”. Nhưng tôi thì, câu nói ấy đã thay đổi tôi rất nhiều, cho tới nay, nó đã trở thành kim chỉ nam trong hành trình của mình.

Tôi từng là học sinh chuyên Toán trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương. Có thể nói, tôi không phải học sinh xuất sắc, nhưng việc trượt Nguyện vọng 1 tại trường Đại học Kinh tế quốc dân đã là cú shock đầu đời đối với tôi. Và sau đó, tôi trở thành sinh viên Khoa Thống kê, với sự chán nản và dường như chưa từng coi đó là “Nhà” của mình. Vào năm 2 Đại học, gia đình tôi gặp biến cố về tài chính. Đó là những ngày mà sáng ngủ dậy là hàng chục hàng trăm cuộc gọi nhỡ từ các chủ nợ của gia đình. Đó là những ngày nơm nớp lo sợ, mình có thể sẽ phải dừng việc học; là những ngày đấu tranh với bố mẹ để em gái tiếp tục được đi học Cao đẳng. Rất có duyên là em gái tôi cũng tốt nghiệp chuyên ngành Thống kê, trường Cao đẳng Thống kê. Và năm đó, tôi gặp cô.

Lần đầu tiên gặp cô đó là lễ chào mừng kỷ niệm thành lập trường Đại học Kinh tế quốc dân. Lúc ấy, tôi được giao làm một video ngắn giới thiệu về Khoa Thống kê từ những tư liệu cũ. Vì phần mềm chưa được kích hoạt, video sau khi hoàn thành luôn xuất hiện chữ quảng cáo về phần mềm đó. Cô đã xem qua và nói với tôi “Cô chỉ cần biết, em phải chịu trách nhiệm về nó”. Ấn tượng của tôi lúc ấy là sợ. Đôi khi tôi nói chuyện với cô, năm đó, em sợ có lẽ vì cái uy của cô. Cô chỉ cười.

Năm thứ hai Đại học, chúng tôi bắt đầu học chuyên ngành, và cô là Giảng viên lớp Lý thuyết Thống kê 1. Vào thời điểm ấy, sự khó khăn về tài chính cũng như những áp lực khác trong học tập đã khiến tôi viết thư tâm sự cho cô về hoàn cảnh gia đình mình. Tôi vẫn còn nhớ y nguyên cảm xúc hôm ấy, sự lo lắng khi run rẩy ấn nút gửi thư. Và gần như ngay lập tức, cô đã gọi điện trực tiếp cho tôi. Cuộc điện thoại ấy đã thay đổi cuộc đời của tôi. Cô đã giúp đỡ em gái tôi có chỗ ở ổn định khi nhập học tại trường Cao đẳng Thống kê. Cô khuyên tôi tham gia vào các dự án điều tra thực địa mà cô phụ trách, tài trợ bởi Tổng cục Thống kê, Tổng cục Du lịch và Tổng cục động lực. “Em hãy nhận làm nhiều nhé”, cô bảo tôi vậy. Vì lẽ đó, tôi đã kiếm được những đồng tiền đầu tiên bằng kiến thức chuyên ngành Thống kê. Số tiền ấy có lẽ không lớn, nhưng với tôi, giá trị của nó là tất cả, giúp một cậu sinh viên vượt qua những khó khăn thời điểm đó. Tôi cũng học được nhiều kỹ năng mềm từ cô, và trở thành một trưởng nhóm thực địa nghiêm túc và có trách nhiệm năm ấy. Có lẽ, chính vì sự nhiệt tình, chỉn chu của tập thể sinh viên Khoa Thống kê Khóa 52 năm ấy, truyền thống tham gia vào các dự án thực địa của Khoa được phát triển mạnh hơn từ các khóa sau.

Chúng tôi, những cô cậu sinh viên ngày ấy, sẽ không thể quên những ngày tháng đi thực địa tại Hà Nội, Thái Bình, và Ninh Bình và những buổi tối cùng nhau kiểm tra phiếu thực địa sao cho sạch nhất, logic nhất, và gọn gàng nhất, bên những bát “mì mà không có tôm”. Những chuyến thực địa là những câu chuyện của một thời thanh xuân. Tôi còn nhớ, khi tôi vào một khu phố nhà giàu, tôi không thể tiếp cận được hộ nào để khảo sát. Thế rồi, một bác có tuổi trong khu đã đưa đến từng nhà và nói “Cháu tôi nó đi thực tập nên cần khảo sát, các ông hộ cháu nó chút”. Và câu chuyện ấy, cô cũng thường xuyên kể cho các khóa sau về cậu sinh viên với chức danh “ông cháu nào đó” như một kỷ niệm đẹp.

Sau tốt nghiệp Đại học, tôi cũng trải qua một vài vị trí ở một số doanh nghiệp, trước khi trở thành nghiên cứu viên kinh tế tại Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp (CAP). Quyết định theo đuổi học thuật có lẽ là quyết định khó khăn nhất của tôi. Và, lúc ấy tôi tin, cô cũng hài lòng với quyết định ấy của tôi. Gặp mặt của hai cô trò cũng đơn giản lắm, là những hôm đến nhà cô ngồi nghe cô nói, hay những lần gặp nhanh chóng ở quán café sau giờ làm việc. Những cuộc gặp gỡ đơn giản, không hình thức, không quà cáp, chỉ là những câu chuyện chân thành và những lời dạy bảo thật tâm từ cô.

Tôi có lẽ không phải sinh viên xuất sắc nhất, cũng không phải sinh viên thành công nhất trong những năm tháng trồng người của cô. Nhưng có lẽ, tôi tự hào vì là sinh viên có hành trình dài với bàn tay ấm áp của cô. Năm 2017, tôi quyết định nộp hồ sơ cho Học bổng Chính phủ Úc, và cũng không ngạc nhiên khi cô là người đầu tiên ủng hộ tôi. Bức thư giới thiệu của cô là một bức thư chứa đựng những sự thật, những câu chuyện thật lòng, những kỷ niệm không thể quên của thời sinh viên ấy. Đó không phải một bức thư theo mô tuýp thường thấy với những câu khen chung chung và bay bổng. Khi tôi chính thức trở thành 1 trong 50 ứng viên nhận học bổng Chính phủ Úc cho khóa học Thạc sĩ, cô là người đầu tiên tôi báo kết quả, “Cô nghe được cả tiếng tầng rung ấy”.

Vì điều kiện cần của các trường Đại học bên Úc, tôi phải hoàn thành chứng chỉ IELTS với mức tối thiểu 6.5 cho khóa học Thạc sĩ. Chắc chẳng có học trò nào ra trường 3 năm rồi, mà vẫn được cô giáo gọi điện hỏi “Có đủ tiền học không, cô cho vay.” Cô sợ tôi ngại, nên thường xuyên hỏi. Thế nhưng lúc ấy, em gái tôi, người mà cô đã giúp thời Cao đẳng, đã có việc làm và nuôi được anh nó học IELTS. Tôi biết, cô cũng tự hào về nó.

Mùa đông năm 2018, tôi đặt bước chân đầu tiên tới Úc để theo học Thạc sĩ Kinh tế tại trường Đại học Quốc gia Úc (ANU). Đây cũng là ngôi trường mà chị Hà, con gái cô, từng theo học Thạc sĩ. Cô tiếp tục hỗ trợ tôi trong việc tìm nhà ở tại Canberra. Thời gian đầu là sự khó khăn trong môi trường mới với khả năng tiếng anh có hạn, cô thường xuyên nhắn tin động viên tôi. Và tất nhiên, tôi cũng thường xuyên khoe cô những thành tích đạt được của tôi tại ANU.

Năm 2020, tôi tốt nghiệp Thạc sĩ với thành tích khiêm tốn về khía cạnh học thuật: 3 bài báo quốc tế, và 1 bài trình bày hội thảo. Và đây cũng là năm tôi tiếp tục nhận học bổng cho chương trình Tiến sĩ của mình tại Đại học Queensland. Cô tiếp tục đồng hành cùng tôi trong quá trình chuẩn bị hồ sơ. Một chặng đường dài học tập và nghiên cứu với những con số, những dữ liệu từ nhiều quốc gia, và những mô hình toán, thống kê phức tạp. Năm 2022, tôi trở về Việt Nam với một trang mới của cuộc đời mình, khi đưa bạn gái (giờ là vợ tôi) về ra mắt cô. Không còn những tâm sự như một người Thầy, cô đưa những lời khuyên tới vợ chồng tôi như một “người mẹ”. Có lẽ, anh Hưng, một người bạn của tôi, và tôi sẽ không thể quên được khoảnh khắc cô nói: “Cô coi hai đứa như con của mình”.

Sự khó khăn có lẽ đã trải qua và tương lai, có lẽ, tôi cũng sẽ có những thành công nhất định trong sự nghiệp của mình, nhưng hai chữ ân tình thì mãi không thể phai. Với tôi, việc tâm sự với cô dường như trở thành thói quen hàng ngày của hai cô trò. Tôi thường nói với cô: “Hành trình của em từ Việt Nam sang Úc, không lúc nào thiếu bàn tay cô”. Tôi luôn nhủ rằng: điều quan trọng, làm sao tôi học được chữ Tâm từ cô? Đến với Thống kê, không chỉ là những con số hay những câu chuyện ẩn sau những con số có phần tẻ nhạt, mà còn là những kỷ niệm, những ân tình, và những cảm xúc trong mỗi người.

Tác giả: Nguyễn Đình Đạo

Cựu sinh viên Khoa Thống kê K52, Đại học Kinh tế quốc dân.

Nghiên cứu sinh, Đại học Queensland, Úc.

Bản quyền thuộc về Phobienthongtinthongke.vn

By Phổ biến thông tin thống kê

Cảm ơn bạn đã đọc bài

Related Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *